CHUYÊN MỤC

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

Banner trái

Web Counter

Xuất bản thông tin

angle-left Hướng đi bền vững cho dưa lưới Hà Tĩnh

Những năm gần đây, vượt lên khó khăn của khí hậu và dịch bệnh, Hà Tĩnh xây dựng thành công nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Một trong những mô hình phát triển có hiệu quả đó là mô hình trồng dưa lưới.

 

Năm 2016, mô hình trồng dưa lưới được một vài hộ dân tự phát đưa vào sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh và cho hiệu quả tốt. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, xu hướng phát triển và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ, nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư, học tập kinh nghiệm để phát triển mô hình này. Đến nay, theo số liệu báo cáo của các địa phương thì toàn tỉnh có 10/13 địa phương cấp huyện có mô hình trồng dưa lưới với tổng diện tích trên 70.000m2 và thời gian tới diện tích nhà lưới trồng dưa trong kế hoạch tăng lên con số trên 100.000 m2.

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp hiện nay, vừa thực hiện phòng chống dịch theo quy định vừa sản xuất theo kế hoạch để đảm bảo nguồn hàng phục vụ cho thị trường vào dịp tết Vu Lan (Rằm tháng Bảy) tới, chị Lê Thị Hiền, xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà) cho biết: “Năm 2020 gia đình chị làm 1000m2 nhà lưới để trồng dưa. Xác định được dưa lưới không phải là sản phẩm bình dân, giá bán khá cao, nên người sản xuất quy mô nhỏ như chị phải lựa chọn thời điểm xuống giống hợp lý, sản phẩm thu hoạch đúng vào các dịp lễ, Tết …thì giá bán sẽ tốt hơn. Mặc dù hiện nay, dưa vẫn đang dễ tiêu thụ nhưng giá đã giảm hơn các năm trước. Dưa lưới thu hoạch đồng loạt trong thời gian ngắn, bảo quan tươi chỉ được 10 - 15 ngày, gây khó khăn trong việc xúc tiến thương mại nhất là các thị trường phải vận chuyển xa. Vì vậy, theo chị cần có giải pháp khoa học ứng dụng để bảo quản quả với thời gian lâu hơn”.

Mô hình dưa lưới của Chị Lê Thị Hiền xã Hồng Lộc (huyện Can Lộc) đang xuống giống phục vụ cho thị trường dịp Tết Vu Lan tới

Anh Nguyễn Thế Tài tại xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên), người áp dụng IoT vào sản xuất dưa lưới đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh, cho biết: “Các chỉ số môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, pH…) được hệ thống Iot cập nhật và xử lý để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng đảm bảo cây trồng phát triển tốt từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm, nhất là vào vụ Đông thì độ ngọt và độ giòn của dưa lưới thường bị giảm đáng kể. Hiện nay, có nhiều giống dưa lưới được đưa vào sản xuất xuất nên sản phẩm chưa bảo đảm tính đồng nhất về chất lượng và mẫu mã. Dưa lưới từ các tỉnh miền Nam được chuyển vào Hà Tĩnh nhiều. Các mô hình trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nhưng thực tế vẫn chưa được chứng nhận các tiêu chuẩn này. Do đó, mặc dù hiện nay, các chủ mô hình đã liên kết tiêu thụ với các siêu thị Vinmart, Co.opmart, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng nông sản sạch, chợ trong tỉnh và một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh nhưng để có cạnh tranh sản phẩm dưa lưới Hà Tĩnh phải được nâng tầm. Việc sản xuất có quy hoạch, theo các quy trình tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ, có tổ chức và có các hợp đồng tiêu thụ bền vững là cần thiết và cần đến sự hỗ trợ của các ngành chức năng”.

Theo ông Lê Thanh Hải giám đốc HTX dưa lưới Nga Hải tại xã Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân) là người tiên phong trong phong trào trồng dưa lưới và là chủ mô hình có diện tích lớn nhất hiện nay với 5.000m2 thì: “Dưa lưới là đối tượng có giá trị kinh tế cao so với các cây trồng khác, phát triển dưa lưới là hướng đi đúng, tuy nhiên để phát triển mô hình bền vững thì còn nhiều trăn trở. Là mô hình công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư và năng lực người sản xuất cao và bài bản, nên việc nhân rộng mô hình sẽ gặp khó khăn. Sản xuất trong nhà lưới là giải pháp thích ứng với khí hậu, hạn chế được sâu bệnh, nhưng trước các đợt gió to, lũ lớn hệ thống nhà lưới lại bị đỗ, ngãy gây thiệt hại rất lớn. Do đó, cần nghiên cứu thiết kế hệ thống nhà lưới có khả năng chống chịu tốt hoặc có thể tháo dỡ để đối phó với thời tiết cực đoan của Hà Tĩnh”.

Là cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP đầu tiên của tỉnh, dưa lưới Nga Hải đang khai thác tối đa các phương tiện quảng cáo, truyền thông để đưa sản phẩm tiếp cận đến khách hàng; kết hợp vừa phân phối trực tiếp vừa phấn đấu liên kết với các siêu thị, cửa hàng trái cây sạch, thành lập các kênh phân phối toàn quốc; chủ động, tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, hướng tới các sản phẩm chế biến. Kế hoạch HTX sẽ thành lập công ty và đưa sản phẩm dưa lưới Nga Hải vươn ra các thị trường lớn hơn cả trong và ngoài nước.

Điều kiện khí hậu Hà Tĩnh khắc nhiệt, tạo nên “con người Hà Tĩnh kiên cường, bất khuất” và “dưa lưới Hà Tĩnh kết tinh được độ thơm, độ giòn, ngọt và vị thanh mát riêng mà những vùng khác không có được”. Với những tấm gương sản xuất tiêu biểu trên, chúng ta tin tưởng rằng bằng bàn tay và khối óc, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” sẽ không diễn ra đối với sản phẩm dưa lưới và với tất cả nông sản Hà Tĩnh.

Kim Thịnh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

 

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin