CHUYÊN MỤC

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

Banner trái

Web Counter

Xuất bản thông tin

angle-left Kỹ thuật nuôi Hàu Thái Bình Dương

Hàu Thái Bình Dương (TBD) hay còn gọi là hàu biển, có nguồn gốc từ Nhật Bản, có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng phân bố rộng. Đây là đối tượng nuôi quan trọng có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong tự nhiên, hàu TBD phân bố ở vùng biển Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và Canada. Ở bờ đông Đại Tây Dương, hàu Thái Bình Dương phân bố từ Nam đảo British đến Bồ Đào Nha và biển Địa Trung Hải. Hiện nay hàu TBD đã được nuôi ở trên 60 nước trên thế giới, đặc biệt là một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Canada…Việt Nam không có loài hàu này phân bố tự nhiên mà được du nhập vào nuôi từ năm 2006. So với các loài hàu bản địa và động vật thân mềm khác đang được nuôi ở nước ta, hàu TBD có những ưu việt hơn như kích thước và khối lượng cơ thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế và xuất khẩu cao, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất lớn; Ở Việt Nam, hàu Thái Bình Dương có tốc độ sinh trưởng rất nhanh. Theo đề tài nghiên cứu nuôi thử nghiệm của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, hàu TBD nuôi tại vịnh Bái Tử Long có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, trong thời gian 8 - 10 tháng nuôi hàu đã đạt kích cỡ thương phẩm trung bình từ 65-75mm/con, trọng lượng từ 70 - 80g/con và tỷ lệ sống đạt từ 54 - 63%. Hiện nay, đối tượng này phát triển mạnh tại Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà (Quảng Ninh) và một số nơi khác như Nghệ An, Nha Trang, Vũng Tàu...

Tại Hà Tĩnh, mô hình nuôi Hàu Thái Bình Dương có từ năm 2017, 2018 tại TX Kỳ Anh và cho đến nay phát triển khá mạnh, các vùng nuôi tập trung tại xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh). Hiện tại, xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh - Kỳ Anh có gần 40 hộ nuôi Hàu Thái Bình Dương (mỗi hộ có từ 60 - 100m2 bè nuôi) và cho hiệu quả kinh tế cao. Hà Tĩnh là tỉnh ven biển với chiều dài bờ biển 137 km, tiềm năng phát triển đối tượng nuôi này còn rất lớn. Dựa trên các tài liệu kỷ thuật của các cơ quan chuyên môn và tình hình thực tế, tiềm năng của huyện, thị ven biển; dưới đây xin giới thiệu đến người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh một số đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi Hàu Thái Bình Dương:

I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC HÀU THÁI BÌNH DƯƠNG .

- Hàu Thái Bình Dương phân bố ở vùng cửa sông, eo vịnh, đầm phá nơi nước lưu thông, ít sóng gió.

- Điều kiện môi trường sống: hàu Thái bình dương là loài rộng muối và rộng nhiệt, thích ứng với độ mặn: 5 - 30‰, nhiệt độ: 7 - 350C, pH: 7,5 - 8,5.

- Chất đáy: hàu có thể phân bố ở nơi đáy cứng là rạn đá hay đáy mềm là cát bùn, cát bùn pha lẫn vỏ san hô.

- Phương thức sống: Khi bắt đầu chuyển sang sống bò lê, nếu gặp được vật bám phù hợp hầu sẽ tiết ra tơ chân để bám và sau đó nó sẽ tiết ra chất keo dính để cố định vỏ trên vật bám. Giai đoạn này thường kéo dài 1 - 2 ngày. Nếu trong thời gian này mà không gặp được vật bám thì ấu trùng hầu vẫn tiết ra tơ chân và chất keo dính. Vì vậy mà sau này hầu sẽ không bám được vào vật bám nữa.

- Thức ăn: Hầu cũng giống như các loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ khác có quá trình phát triển trải qua giai đoạn biến thái, vì vậy thức ăn của hàu thay đổi khác nhau tùy thuộc vào phương thức sống của từng giai đoạn: Giai đoạn ấu trùng sống trôi nổi: thức ăn là các loại thực vật phù du kích thước nhỏ, giai đoạn trưởng thành: thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ, thực vật phù du, động vật phù du và các loại ấu trùng.

- Phương thức bắt mồi: Hàu thái bình dương là loài sống bám cố định vì vậy chúng có phương thức bắt mồi bị động bằng cách lọc thức ăn nhiều lần. Chúng không có khả năng chọn lọc thức ăn về chất nhưng lại có khả năng chọn lọc kỹ càng thức ăn theo kích thước lớn nhỏ.

Điều kiện môi trường nuôi ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của hàu Thái Bình Dương: độ mặn từ 5 - 30‰, nhiệt độ: 7 - 350C, pH 7,5 - 8,5. Hàu Thái Bình Dương sau giai đoạn ấu trùng bò cần giá thể để bám, bắt mồi bằng phương thức lọc bị động và thức ăn chủ yếu là thực vật phù du và mùn bã hữu cơ. Mùa vụ sinh sản của hàu Thái Bình Dương với mùa chính là tháng 3 - 5 và mùa phụ là tháng 8 - 10. Hàu Thái Bình Dương hoàn toàn phù hợp khi nuôi trong điều kiện vùng biển Việt Nam.

II. KỸ THUẬT NUÔI HÀU THƯƠNG PHẨM

1. Địa điểm và chuẩn bị công trình nuôi

1.1. Lựa chọn địa điểm nuôi

- Nằm trong vùng quy hoạch được phép nuôi trồng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Xa khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy tránh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.…; tránh địa điểm có nguồn nước ngọt từ đất liền chảy vào trực tiếp. Bãi nuôi hàu phải bảo đảm độ ngập nước cho hàu khi con nước ròng.

- Nơi đặt bè thoáng, có dòng chảy liên tục; tránh nơi tàu thuyền qua lại nhiều, gần bến cảng, sóng và gió lớn, nhiều rong, các loại cây cỏ thủy sinh.

- Nên chọn khu vực không bị ô nhiễm, có chất luợng nước phù hợp với hàu nuôi; các yếu tố thủy lý, thủy hóa, thủy sinh (Sinh vật phù du) phù hợp, cụ thể như sau:

- Vùng nuôi hàu có độ mặn từ 20 - 30‰ (tốt nhất 25 - 30‰), pH thích hợp 7,5 - 8,5 (tốt nhất 7,8 - 8,2). Độ trong nước từ 1,5 - 2,5m. Hàm lượng oxy trên 6mg/l. Nguồn nước sạch, nước lưu thông (có dòng chảy nhẹ), có thủy triều lên xuống hằng ngày, màu nước xanh có nhiều sinh vật phù du. Nên chọn vùng hạ triều, chất đáy tương đối cứng, có cát sỏi hoặc pha lẫn san hô để con giống không bị chìm trong bùn, độ sâu từ 4 - 9m (độ sâu khi thủy triều thấp nhất).

1.2. Chuẩn bị công trình nuôi

Hình thức nuôi phổ biến hiện nay là nuôi treo trên bè hoặc nuôi khay. Với địa hình vùng nuôi Hà Tĩnh thì hình thức nuôi treo trên bè là phù hợp.

Phương pháp nuôi Hàu thái bình dương bằng giàn bè treo vật bám là hình thức nuôi phổ biến hiện nay, hình thức nuôi này Hàu thái bình dương có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, dễ quản lý, chăm sóc và thu hoạch. Hàu giống bám trên các giá thể (vỏ nhuyễn thể, nhựa...) được đục lỗ và treo trên các dây. Hình thức nuôi này cá thể giống được treo lơ lững trong môi trường nước, tạo điều kiện cho hàu có thời gian lọc thức ăn tối đa, việc quản lý, chăm sóc, thu hoạch hàu dễ dàng hơn và tận dụng được diện tích mặt nước và năng suất sinh học vùng nuôi cao nhất.

+ Thiết kế bè nuôi:

Nguyên vật liệu: Tre, luồng, gỗ bạch đàn,….có chiều dài trung bình 9 mét, đường kính 7 -10 cm, sau khi đã ngâm và phơi khô. Mỗi bè cần 32 cây.

+ Dây cước nhựa: Ф 3 - 4 mm, 30 kg dây nhựa/bè.

+ Phao xốp: 40 x 50 x 60 cm, đã được bọc bạt để chống sun, hà bám: 6 quả/bè.

+ Dây neo: dùng dây đay hoặc nilon bện Ф >2,5 cm, 30 kg dây neo/bè.

     + Neo sắt: neo 2 mỏ > 50 kg: 2neo/2bè hoặc đóng cọc sâu xuống đáy bùn 2 m.

+ Thiết kế neo: Tùy địa hình cụ thể mà thiết kế neo bè cho phù hợp, nếu  khu vực đáy là đá tảng hoặc các rạn san hô thì dùng neo sắt để cố định bè. Khu vực có đáy cát bùn  dùng phương pháp đóng cọc gỗ để neo bè.

+ Kích th­ước bè: từ 81 m2: (9 x 9m). Mỗi bè dùng 2 neo ở 2 đầu (neo sắt hoặc cọc gỗ). Có thể kết hợp nhiều bè thành một mảng (dàn bè) lớn để nuôi

- Các cây tre dùng treo dây Hàu được đặt theo chiều ngang của bè, khoảng cách giữa các thanh đà này từ 25 - 30cm.

- Dây treo giống có các vật bám để hàu bám treo trên bè, độ dài dây tùy theo độ sâu nước vùng nuôi và khả năng tải của bè nuôi.

2 . Chọn giống và thả giống

2.1 . Chọn giống hàu

- Lựa chọn con giống: Để chọn được giống hàu Thái Bình Dương có chất lượng ta nên tìm hiểu nguồn kỹ về gốc xuất xứ của hàu giống và cách lựa chọn dựa vào các yếu tố như uy tín của cơ sở sản suất, nguồn gốc giống hàu.

- Lựa chọn con giống hàu TBD thông qua các tiêu chuẩn:

Màu sắc: hàu giống có màu xám đen đặc trưng và đồng đều về màu sắc, không bị rong rêu bám vào.

Vỏ hàu: Không bị vỡ, dập võ, các gờ tăng trưởng phân bố khá đều đặn, gai vỏ xuất hiện đều xung quanh trừ đỉnh vỏ, vỏ giống phân bố đều trên hai mặt vỏ.

Điểm quan trọng nhất trong chọn giống hàu là kích cỡ phải đồng đều, thông thường hàu có kích thước tối thiểu từ 3 - 5mm là có thể nuôi thả. Nên chọn con giống có vỏ giống phân bố đều trên hai mặt vỏ là tốt nhất. Tránh mua con giống trên cùng vỏ có kích cỡ chênh lệnh nhau quá lớn (2 - 3mm). Các kích cỡ lớn hơn (5 - 7, 7 - 10, 10 - 15, 15 - 20, 20 - 30mm) đều có thể thả tốt, tuy nhiên chi phí mua con giống sẽ cao hơn.

2. 2. Mùa vụ thả giống:

Ở nước ta, miền Bắc hàu Thái Bình Dương được nuôi thành 02 vụ rõ rệt vào tháng 3 - 5 và tháng 8 - 10 hàng năm, tốt nhất là vào tháng 3 - 5. Ở miền Nam, hàu có thể thả giống quanh năm, tuy nhiên không nên thả giống vào mùa mưa bởi sự phát triển mạnh của các đối tượng cạnh tranh như: sun, hà,.. làm giảm tỉ lệ sống của hàu Thái Bình Dương.

2. 3. Xác định mật độ nuôi:

Mật độ thả phù hợp tạo điều kiện cho hàu sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao tỉ lệ sống của hàu nuôi, nâng cao năng suất nuôi hàu thương phẩm.

Xác định số lượng giống/vật bám: Số lượng giống/vật bám phụ thuộc vào kích cỡ hàu thả giống. Thông thường với kích cỡ giống hàu 3 - 5mm và 5 - 7 mm, nên chọn chọn mật độ từ 25 - 30 con hoặc từ 30 - 40 con/vật bám. Không nên chọn vật bám có số lượng quá dày trên 50 con/vật bám hay số lượng quá thưa dưới 20 con/vật bám. Trường hợp có một số vật bám nhỏ hơn 20 con/vật bám có thể ghép đôi vật bám tại một vị trí dây treo. Với giống kích cỡ lớn hơn, yêu cầu số lượng giống trên vật bám cũng thưa hơn.

Bảng số lượng giống hàu trên vật bám theo kích cỡ

 

TT

Kích cỡ trung bình (mm)

Tiêu chuẩn chọn giống (con/vật bám)

Khoảng phù hợp

Khoảng chấp nhận

Khoảng không chấp nhận

1

3-5; 5-7

25-40

40-50 và 20-25

> 50 và <20

2

7-10; 10-15

25-35

35-45 và 15-25

> 45 và <15

3

15-20

20-30

30-40 và 10-20

> 40 và <10

4

20-30

15-25

25-35 và 10-15

> 35 và <10

2.4. Thả giống:

Sau khi lựa chọn giống đưa ra bè để dưỡng giống từ 10 - 15 ngày (mật độ khi dưỡng giống 80 - 100 võ/dây). Sau khoảng thời gian này cở giống đạt trên 1cm thì tiến hành san tách giống để nuôi thương phẩm.

Phương pháp san tách giống: tách các võ vật bám ra từ 6 - 8 vỏ trên dây dài từ 1,5 - 1,8 m, khoảng cách các vỏ vật bám 15 - 17 cm. Sau khi tách cho dây giống vào dây cước tiến hành thả giống.

Lượng giống thả nuôi thương phẩm từ 500 - 550 dây/bè (bè khoảng 80 m2). Khoảng cách trung bình giữa các dây 35 - 40cm. Thả dây cách mặt nước 50cm và cách đáy 30 cm.

3. Chăm sóc, quản lý

a. Chăm sóc

- Định kỳ kiểm tra, gia cố hệ thống bè nuôi, đặc biệt là trước và trong mùa mưa bão. Có thể hạ sâu dây Hàu để hạn chế ảnh hưởng sóng gió. Khoảng 15- 20 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng phát triển của Hàu cũng như vệ sinh dây nuôi Hàu, loại bỏ những vật bám, rong, rêu và phù sa...

- Trong quá trình nuôi phải chủ động phải san thưa dây Hàu để đảm bảo điều kiện thức ăn cho sinh trưởng và phát triển. Cần chú ý mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi. Nếu hàu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề như: pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc,…Khi đó, cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh vật bám thưa ra.

b. Quản lý môi trường

- Thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất vào nơi quy định. Đối với xác Hàu chết phải loại bỏ đúng nơi quy định, không vứt ra môi trường xung quanh dễ gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện bệnh bùng phát.

- Vào những ngày trời mưa cần thường xuyên kiểm tra độ mặn. Nếu có hiện tượng độ mặn giảm thấp cần phải kiểm tra xung quanh xem có nguồn nước ngọt chảy trực tiếp vào vùng nuôi không để để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong điều môi trường không thuận lợi như độ mặn thấp, nguồn thức ăn giảm,…có thể hạ các dây nuôi xuống sâu hoặc di chuyển hàu đến vùng khác; thường xuyên kiểm tra các thiết bị nuôi như dàn bè, phao, dây nuôi, lồng nuôi nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời.

- Thực hiện quan trắc một số yếu tố môi trường chính như pH, Ôxi hòa tan, độ mặn, độ kiềm... để có biện pháp kỹ thuật điều chỉnh kịp thời.

Lưu ý: Ghi chép nhật ký đầy đủ, lưu giữ nhật ký để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

c. Phòng, trừ bệnh dịch :

Áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp để hạn chế dịch bệnh xẩy ra: Chọn giống khỏe từ những nơi cung cấp giống uy tín, định kỳ vệ sinh sạch sẽ dây nuôi và khu nuôi; chủ động san thưa Hàu nuôi; tuân thủ nghiêm quy định của Nhà nước và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thường xuyên tiêu diệt các động vật ăn hàu như loài ốc, sun, hà, các loài giáp xác như cua còng, cáy và thu các bọc trứng của ốc vào mùa sinh sản (tháng 7 - 9). Định kỳ vệ sinh hàu bằng cách dùng bàn cọ rửa trên hàu để loại bỏ các chất bẩn, rong và sinh vật bám.

4 . Thu hoạch

- Sau khi nuôi khoảng 6 tháng nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để hàu sinh trưởng nhanh.

- Sau 8 - 10 tháng nuôi thì có thể tiến hành thu hoạch. Mùa vụ thu hoạch Hàu có liên quan đến chất lượng sản phẩm.Thường vào mùa sinh sản khi tuyến sinh dục của Hàu phát thành thục thì chất lượng thịt cao nhất, lúc đó hàm lượng đạm cao và hàm lượng nước trong thịt thấp.

- Trước khi vận chuyển hàu thương phẩm cần vệ sinh bên ngoài Hàu, loại bỏ những vật bám. Vận chuyển Hàu đến nơi tiêu thụ trong môi trường ẩm và mát./.

                      Sỹ Công - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin