CHUYÊN MỤC

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

Banner trái

Web Counter

Xuất bản thông tin

angle-left Tăng cường các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi

Hiện nay, tình hình thời tiết hiện đang diễn biến phức tạp; nắng nóng gay gắt làm độ mặn, nhiệt độ và các yếu tố môi trường biến động làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi và dễ dẫn đến dịch bệnh; tại một số xã ở huyện Kỳ Anh thời gian qua đã có hiện tượng dịch bệnh trên tôm nuôi.

         Để thực hiện tốt kế hoạch nuôi tôm năm 2020, trên cơ sở các tài dẫn hướng dẫn  của cơ quan chuyên môn, xin lưu ý đến các hộ/cơ sở nuôi tôm trong tỉnh các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa dịch bênh trên tôm nuôi:

* Đối với vùng đã thả nuôi

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khoẻ tôm nuôi và môi trường ao nuôi. Tăng cường công tác chăm sóc, gia cố bờ ao, chống hiện tượng rò rỉ, hao hụt nước trong ao nuôi, duy trì độ sâu ao đạt 1,3 - 1,5 mét.

- Cho ăn đủ lượng và đủ chất, thường xuyên bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

- Thường xuyên thăm ao để phát hiện sớm tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng; bệnh đốm trắng thường có hiện tượng là: dưới vỏ đầu ngực tôm có những đốm trắng đường kính từ 0,5 - 2mm, thường có liên quan với sự xuất hiện bệnh đỏ thân ở tôm nuôi sau 1 - 2 tháng; cả tôm sú và tôm thẻ nuôi theo hình thức quảng canh và thâm canh đều dễ mắc bệnh, thường phát bệnh vào thời điểm giao mùa (mùa xuân chuyển sang mùa hè và mùa mưa).

- Khi lấy nước cần theo dõi tình hình nuôi ở các vùng xung quanh nếu nằm trong vùng bị dịch bệnh thì không nên lấy nước.

- Nên sử dụng vôi CaCO3, Dolomite (liều lượng 7 - 10 kg/1000 m2) tạt quanh bờ, xuống ao nuôi trước và sau khi có mưa và định kỳ 10 -15 ngày/lần nhằm ổn định môi trường, hạn chế mầm bệnh trong ao nuôi. Đối với các vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh cần thực hiện tốt quy trình sử dụng chế phẩm sinh học cho ao nuôi.

- Các cơ sở nuôi cần có các ao chứa lắng để tích trữ nước xử lý chủ động nước cấp cho ao khi có dịch bệnh xẩy ra.

- Thực hiện chế độ cho ăn và quản lý thức ăn phù hợp, duy trì mực nước tối thiểu 1,3 - 1,5m, cần cấp bổ sung nước thì phải được lấy từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi; chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiểu thiếu oxy cục bộ.

- Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường, duy trì độ mặn 15 - 20 ‰; pH là 7,5 - 8,2; độ kiềm 120 - 160 mg/l.

- Thường xuyên xi phông đáy ao: tháng nuôi thứ nhất 5 - 7 ngày xi phông 1 lần; giai đoạn tôm lớn mỗi ngày xi phông 1 lần (đối với nuôi thâm canh).

* Đối với diện tích tôm nuôi  bị dịch bệnh đốm trắng

Cần tiến hành xử lý triệt để mầm bệnh trong ao nuôi bằng hoá chất (Chlorine 30 - 50gam/m3 loại Chlorine có hoạt tính 60 - 80%) sau 7 - 10 ngày mới xả nước ra môi trường ngoài. Sau khi xử lý Chlorine, tiến hành cải tạo theo đúng quy trình kỹ thuật: san vét bùn đáy, bón vôi, phơi ao, lấy và xử lý nước.

Tuyệt đối không bơm xả nước trong ao tôm bị bệnh chưa qua xử lý triệt để ra môi trường xung quanh, khi xẩy ra hiện tượng tôm chết cần khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, tránh mầm bệnh lây lan.

Tập thể, cá nhân nuôi tôm cần thực hiện “3 không”: không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường.

Khuyến cáo bà con không nên nóng vội mà cần cải tạo ao nuôi, xử lý nước đạt các yêu cầu kỹ thuật, lựa chọn con giống tốt, đạt tiêu chuẩn mới tiến hành thả lại; quá trình nuôi tôm cần nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường, tăng cường công tác phòng bệnh cho tôm nuôi.

* Đối với diện tích chưa thả giống

Người nuôi lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; áp dụng quy trình nuôi theo 2 giai đoạn; thực hiện ương giống (20 - 25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi; người nuôi tiếp tục rải vụ, thả giống với mật độ thưa, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro, hạ giá thành nhằm tăng hiệu quả sản xuất./.

 

Sỹ Công - Chi cục Thủy sản

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin