CHUYÊN MỤC

KHUYẾN NÔNG

angle-left Hai HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn VietGap cho sản phẩm lúa gạo

Hai HTX đầu tiên của Hà Tĩnh vừa được Công ty TNHH Công nghệ NHO (doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT ủy quyền đánh giá độc lập) chứng nhận đạt chuẩn VietGap cho sản phẩm lúa gạo sau khi tham gia mô hình sản xuất lúa gạo tập trung do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai.

Hai HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn VietGap cho sản phẩm lúa gạo Mô hình sản xuất lúa BQ theo quy trình VietGap tại xã Thạch Xuân.

Đó là Hợp tác xã Đồng Sơn (xã Thạch Xuân, Thạch Hà) và Hợp tác xã Vệ sinh môi trường và dịch vụ tổng hợp Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên).

Mô hình được xây dựng 30 ha, trong đó, 20 ha sử dụng giống lúa BQ (trong vụ xuân 2019) với 50 hộ tham gia tại thôn Tân Thanh, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) và 10 ha sử dụng giống Khang dân đột biến (vụ hè thu 2019) với 25 hộ tham gia) tại thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên).

Các mô hình thực hiện liên kết cùng doanh nghiệp, được sự hướng dẫn, tập huấn và giám sát của Trung tâm Khuyến nông về kỹ thuật như: Vùng sản xuất phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; sử dụng giống lúa có nguồn gốc; tuân thủ nhật ký sản xuất; quy trình bón phân, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục và được khuyến cáo...

Theo đánh giá từ VietGap thì các mô hình đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; giá trị, năng suất tăng cao. Lúa KD 18 khi áp dụng VietGap có năng suất cao hơn bình thường 200 kg/ha, thu lợi kinh tế hơn 1,4 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống; lúa BQ cũng thu lợi kinh tế cao hơn truyền thống gần 5,8 triệu đồng/ha.

Hai HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn VietGap cho sản phẩm lúa gạo Hợp tác xã Đồng Sơn, Thạch Xuân (Thạch Hà) và Hợp tác xã Vệ sinh môi trường và dịch vụ tổng hợp Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) được trao chứng nhận đạt chuẩn VietGap

Theo cơ quan khuyến nông tỉnh, việc tham gia mô hình giúp các hộ dân nắm được các kiến thức về sản xuất theo VietGAP và áp dụng tốt vào thực tế sản xuất như: giảm chi phí, sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, hợp lý; chăm sóc cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt; năng suất và sản lượng tăng; mẫu mã đẹp, chất lượng được nâng cao, dễ tiêu thụ, giúp các hộ dân tăng hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Điều quan trọng, sau khi được công nhận, các HTX sẽ có kiến thức để áp dụng và duy trì trong thực tế sản xuất. Điều này giúp các hộ dân ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các nguy cơ ô nhiễm có ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng sản phẩm, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.

Nguồn: (Baohatinh.vn)