Navigation Menu

Xuất bản thông tin

angle-left Phòng ngừa bệnh phân trắng cho tôm nuôi

Thực hiện kế hoạch nuôi tôm năm 2020, đến nay toàn tĩnh đã thả nuôi gần 2.000 ha. Nhìn chung đến nay tôm đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, một số cơ sở nuôi đã thu hoạch, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh đã thu hoạch đạt 1.516 tấn. Tuy vậy, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước cao…là điều kiện tôm nuôi dễ bị bệnh phân trắng, một số cở nuôi tôm trong tỉnh tôm đã đang bị bệnh phân trắng. Bệnh phân trắng có thể trị được nhưng giảm năng suất nuôi, do hao hụt và tôm chậm lớn, hiệu quả điều trị và hiệu quả nuôi không cao. Để có một vụ nuôi thắng lợi, người nuôi tôm cần nắm rõ tác nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh phân trắng cho tôm.

- Tác nhân gây bệnh

+ Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu do vi khuẩn, ký sinh trùng, yếu tố môi trường, trong đó tác nhân chủ yếu là vi bào tử trùng thuộc giống Plexstophora và vi khuẩn thuộc giống Vibrio.

+ Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi cao; tôm dễ mắc bệnh khi nuôi được từ 40 đến 90 ngày tuổi. Đặc biệt, bệnh thường xuất hiện khi thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa kéo dài hoặc khi thời tiết thay đổi). Bệnh xuất hiện trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

- Dấu hiệu bệnh

Khi tôm bị bệnh phân trắng, kiểm tra nhá (sàng ăn) sẽ thấy phân tôm màu trắng trên sàn ăn hoặc nổi trên mặt nước dọc bờ ao, góc ao (cuối hướng quạt nước, cuối hướng gió).

Tôm giảm ăn hoặc khẩu phần ăn không tăng theo ngày nuôi.

Kiểm tra tôm sẽ thấy đường ruột tôm thức ăn không đầy, rỗng hoặc bị đứt khoảng, có những đốm màu vàng cát ở phần cuối ruột.

  • Cách phòng ngừa

Quản lý kỹ lượng thức ăn của tôm điều này giúp hạn chế tối đa lượng thức ăn thừa. Không sử dụng thức ăn bị nấm, mốc; hạn chế sử dụng thức ăn tươi.

Trong quá trình nuôi quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường; định kỳ dùng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường.

Thay nước định kỳ và sử dụng chất diệt khuẩn sẽ giúp hạn chế bệnh phân trắng, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng, mưa kéo dài.

Tăng cường men vi sinh tiêu hóa, giúp tôm hấp thu thức ăn tốt hơn. Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tôm tăng sức đề kháng và giảm căng thẳng (stress). Đối với những con tôm bị chết phải vớt ra khỏi ao để tránh tình trạng lây lan do tôm khỏe ăn tôm bệnh.

Trên thị trường hiện nay có sẵn các loại thuốc để phòng ngừa và trị bệnh phân trắng cho tôm. Những loại thuốc này là kháng sinh nên khi sử dụng cần theo đúng liều lượng và chỉ được dùng các loại được phép dùng trong danh mục quy định. Tránh dùng vội, tăng liều hoặc sử dụng không đủ, gây hiện tượng nhờn thuốc dẫn đến thời gian điều trị kéo dài vừa tốn kém vừa không hiệu quả./.

 

Sỹ Công - Chi cục Thủy sản