CHUYÊN MỤC

SẢN XUẤT VÀ THỊ TRƯỜNG

angle-left Nhận định và dự báo diễn biến thị trườngmột số nông sản chủ lực trong tháng 7 năm 2021

1. Lúa gạo

Theo báo cáo của FAO, Bangladesh có thể nhập khẩu tới 1,8 triệu tấn gạo trong năm 2021, mức cao nhất trong 4 năm. Bangladesh hiện nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi xảy ra lũ lụt liên tiếp năm ngoái, phá huỷ mùa màng và đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.

2. Rau quả

Tháng 6/2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng tích cực này có được một phần nhờ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã điều hành hoạt động xuất khẩu thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn ứ, đặc biệt tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, sự vào cuộc tích cực của các Bộ ban ngành, địa phương đã mang lại kết quả khả quan, hứa hẹn những thuận lợi trong thời gian tới. Cụ thể là: (i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức chuỗi các hoạt động thuộc Chương trình “Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Chung tay vượt đại dịch”; Tổ chức các Hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông đặc sản vùng miền như: mận Tam hoa và nông sản an toàn tỉnh Lào, na Chi lăng của Lạng Sơn, nhãn Đồng Tháp với các tỉnh phía Bắc… nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước; (ii)Từ ngày 28/6 dự kiến đến hết tháng 7/2021, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã triển khai đưa 5 tấn xoài xanh Việt Nam tới nước này trong khuôn khổ Chương trình “Ẩm thực xoài xanh, phong vị quê hương”. Hiện nay, theo thông tin của Thương vụ, các cửa hàng, siêu thị tại khu vực Melbourne, Sydney đang bán xoài xanh Việt nam với giá khoảng 260.000 – 290.000 đồng/kg (tuỳ khu vực).

3. Cà phê

(i) Giá cước vận chuyển các tuyến Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục dự kiến kéo dài tiếp trong tháng 7. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB (giao hàng tại boong tàu), mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn;

(ii) Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao, xuất khẩu cà phê nhân dự báo tăng 3,0 triệu bao lên 26,0 triệu bao, giúp giảm nhẹ tồn kho.

4. Chè

Thị trường chè nguyên liệu trong nước trong tháng giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành. Cụ thể, tại vùng chè Phú Lương, Thái Nguyên, giá bán buôn chè búp khô (chè đinh) hiện ở mức 3 triệu đồng/kg so với 3,8 triệu đồng/kg thời điểm một tháng trước; giá chè móc câu 250.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so với tháng trước; giá chè nõn 450.000 đồng/kg, giảm so với mức giá 650.000 đồng/kg tháng trước.

5. Thủy sản

Nhìn chung trong nửa đầu năm nay, thị trường thủy sản thế giới trong đó có Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới tình hình tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam sẽ khả quan trong bối cảnh các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh và sự cộng hưởng của các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực theo thời gian. Cụ thể: (i) Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch Covid – 19. Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch Covid – 19; (ii) Dự báo xuất khẩu cá tra của Việt Nam quý III năm 2021 sẽ tăng trưởng tốt do nhu cầu thế giới tăng và nguồn cung cá tra của Việt Nam ổn định.

6. Gỗ và sản phẩm gỗ

Kinh tế toàn cầu tiếp tục ghi nhận xu hướng hồi phục của nhiều nền kinh tế chủ chốt như: Mỹ, Trung Quốc, EU… Đây cũng là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Do đó, trong nửa cuối năm 2021, các chuyên gia nhận định, nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng nhanh. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2021 vượt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN