Navigation Menu

Xuất bản thông tin

angle-left Nhận định và dự báo diễn biến thị trườngmột số nông sản chủ lực trong tháng 5 năm 2021

1. Lúa gạo

Năm 2021 dự báo điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới nên sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia, và nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng trong năm 2021. Thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng.

2. Rau quả

Đối với thị trường Đài Loan trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này nhìn chung khá thuận lợi. Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của Việt Nam sang thị trường này, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau, củ, quả giảm tốc. Với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm nay, dự báo xuất khẩu hàng rau, củ, quả của Việt Nam sang thị trường Đài Loan sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do yếu tố mùa vụ. Quý II là thời điểm nắng nóng nên các loại trái cây, rau củ tươi hoặc đông lạnh được tiêu thụ khá mạnh. Việt Nam đã khai thác tốt nhóm hàng rau củ và đang đẩy mạnh xuất khẩu nhóm quả và hạt. Những tháng đầu năm 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã tăng xuất khẩu một số chủng loại, gồm: hạt macadamia, hạt óc chó, nhãn, xoài, chuối, me, dừa. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành. Thời gian tới, ngành rau quả Việt Nam cần chú trọng hơn đến nhóm quả và hạt vào thị trường Đài Loan, đây là nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh và giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.

3. Cà phê

Dự báo phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao toàn cầu có xu hướng tăng lên do nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đáng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cà phê trước mắt sang thị trường EU và Hoa Kỳ còn gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển dù đã đỡ căng thẳng hơn trước nhưng giá cước vẫn cao.

4. Chè

Giá chè trên thị trường thế giới có sự điều chỉnh giảm sau khi có dấu hiệu hồi phục vào tháng trước. Tại Ấn Độ, giá chè trung bình giảm xuống mức thấp nhất của năm là 114,80 Rupee/kg (1,55 USD/kg) tại phiên bán gần đây nhất (17/4) của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor (CTTA). Nguyên nhân chính khiến giá giảm xuống là do sự trì hoãn mua vào trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh tại nước này. Ngoài ra, kỳ vọng về khối lượng chè từ Đông Bắc trữ từ mùa đông có thể sẽ được tung ra thị trường trong những tuần tới cũng khiến cho các thương nhân trên thị trường chần chừ đưa ra quyết định. Giá chè tại phiên đấu giá Mombasa cũng có dấu hiệu giảm trong những tuần gần đây sau khi đã chạm mốc 2 USD/kg vào tháng trước lần đầu tiên sau 18 tuần, trước khi bắt đầu giảm trở lại trong các đợt bán hàng tiếp theo, hiện ở mức 196 Shilling (1,83 USD)/kg. Thị trường chè nguyên liệu trong nước ổn định trong tháng. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ổn định 9.500 đ/kg, chè hạt 7.800 đ/kg. Giá chè xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn ở mức tốt, cao hơn cùng kỳ năm ngoái mặc dù khối lượng xuất khẩu và kim ngạch giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

5. Thủy sản

(i) Đức là quốc gia phát triển trong khối liên minh EU với dân số 83,88 triệu người. Mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người năm 2020 của Đức là gần 14kg/người/năm. Mặc dù mức tiêu thụ thuỷ sản này không cao so với bình quân tiêu thụ thuỷ sản thế giới, ngày càng nhiều người dân Đức cảm thấy việc tiêu thụ thuỷ sản rất có lợi cho sức khoẻ và lựa chọn tiêu dùng thuỷ sản cũng tiện dụng không kém các sản phẩm thịt khác. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Đức trong thời gian tới sẽ tăng. Hơn nữa, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 tạo ra nhiều lợi thế với sản phẩm thuỷ sản chính của Việt Nam xuất khẩu tới Đức. Chính vì thế, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tới Đức trong thời gian tới sẽ tăng mạnh;

(ii) Việt Nam vẫn được hưởng thuế suất nhập khẩu vào Hàn Quốc là 0% đối với các sản phẩm bạch tuộc tươi/sống và đông lạnh (HS030751 và HS030759) và đây cũng là sản phẩm bán được nhiều nhất vào thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu bạch tuộc của Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu với 2 sản phẩm trên để tăng kim ngạch xuất khẩu bạch tuộc hơn nữa sang Hàn Quốc;

(iii) Trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada sẽ tăng trưởng tốt do thủy sản Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu của Canada. Trong đó, tôm là mặt hàng chủ lực sang thị trường này sẽ tăng hơn nữa do nhu cầu tiêu thụ tôm tại Canada tăng. Canada được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu nhờ khả năng tiếp cận thị trường ưu tiên thông qua các hiệp định thương mại với 51 quốc gia. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần tận dụng tốt Hiệp định CPTPP vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia Hiệp định.

 

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN