Menú de navegació

Editor de continguts

angle-left Một số thay đổi chính sách trên thị trường Tháng 8

1. Uỷ ban Châu Âu (EC)

Uỷ ban Châu Âu (EC) đã công bố hạn ngạch nhập khẩu với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được áp dụng khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

Mặt hàng gạo có hạn ngạch 80.000 tấn mỗi năm, trong đó gạo chưa xay xát là 20.000 tấn, gạo xay xát và gạo thơm đều là 30.000 tấn. Việc đưa lộ trình được đảm bảo tiêu thụ và tránh bị dồn ứ mặt hàng này trên thị trường. Cụ thể:

a) 20 000 tấn gạo trấu tương đương với gạo được bao phủ bởi các phân nhóm HS ex1006 10 hoặc 1006 20. Hạn ngạch này mang số thứ tự 09.4729;

(b) 30.000 tấn được tính bằng gạo xay xát tương đương với gạo thuộc phân nhóm HS 1006 30. Hạn ngạch này mang số thứ tự 09.4730;

(c) 30 000 tấn được biểu thị bằng gạo xay tương đương với gạo thuộc phân nhóm HS ex1006 10 hoặc 1006 20 hoặc 1006 30 và thuộc một trong những giống lúa thơm. Hạn ngạch này mang số thứ tự 09.4731.

Thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan được đặt ở mức 0 EUR/tấn. Giấy phép nhập khẩu có giá trị: kể từ ngày dương lịch đầu tiên của tháng sau khi nộp đơn trong trường hợp nộp đơn trong thời hạn hạn ngạch thuế quan; từ ngày 1 tháng 1 năm sau trong trường hợp đơn đăng ký từ ngày 23 đến ngày 30 tháng 11 của năm trước. Giấy chứng nhận tính xác thực sẽ có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày cấp.

2. Đài Loan

Tổng cục Quản lý Dược và thực phẩm Đài Loan (TFDA) đã có văn bản gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc công bố danh sách doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đạt chuẩn được phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan (Trung Quốc). Theo danh sách được công bố lần này, đã có 674 doanh nghiệp của Việt Nam được TFDA cấp phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản. So với lần trước, số lượng doanh nghiệp thuỷ sản được cấp phép xuất khẩu thuỷ sản đợt này đã tăng lên 36 doanh nghiệp kể từ khi công bố doanh sách 638 doanh nghiệp thuỷ sản được cấp phép xuất khẩu vào thị trường này hồi tháng 10/2019.

Các doanh nghiệp này đã được TFDA phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam cấp mã số định danh doanh nghiệp để tiện quản lý. Chỉ có các doanh nghiệp nằm trong Danh sách đã được TFDA xét duyệt mới được phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan. Thông báo của TFDA cũng cho biết, danh sách này có hiệu lực từ ngày 10/7/2020 (tính từ thời điểm hàng hóa rời cảng xuất).

3. Hàn Quốc

Ngày 16/6/2020, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã có Thông báo về phương thức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đây là phương thức kiểm tra lâm thời, được thực hiện trong năm 2020 do diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 trên thế giới, áp dụng riêng đối với doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra tại nguồn năm 2020 đã được MFDS thông báo trước đó.

4. Trung Quốc

Ngày 14/7/2020, Trung Quốc đã ra thông báo số G/SPS/GEN/1812 tới WTO về việc kiểm tra Covid-19 đối với thực phẩm trong chuỗi cung ứng lạnh nhập khẩu. Chi tiết cụ thể như sau:

- Nhằm thực hiện Hướng dẫn hoạt động kinh doanh thực phẩm trong phòng tránh COVID-19 và an toàn thực phẩm do FAO và WHO kết hợp ban hành và ngăn chặn thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu trước nguy cơ nhiễm COVID-19, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành các hoạt động kiểm tra khẩn cấp nhằm phát hiện Covid-19 bên ngoài và bên trong lớp đóng gói, và container chứa thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu.

- Ngày 3/7/2020, Hải quan thành phố Đại Liên và Hạ Môn - Trung Quốc đã tìm thấy mẫu dương tính với Covid-19 trong ba lô hàng xuất khẩu vào Trung Quốc; trong đó: một mẫu phát hiện tại thành trong của công-ten-nơ, và 5 mẫu trên bì đóng gói tôm, cho thấy mức độ rủi ro truyền nhiễm Covid-19 trên thực phẩm trong chuỗi cung ứng lạnh nhập khẩu. Những hàng hoá này là sản phẩm của ba công ty tại một trong những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc.

- Nhằm bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng, Tổng cục Hải quan Trung Quốc quyết định dừng nhập khẩu sản phẩm từ ba doanh nghiệp kể trên, cũng như việc đăng ký mã số của họ tại Trung Quốc từ ngày 10/7/2020. Sản phẩm bị tạm giữ của những doanh nghiệp trên sẽ bị trả lại hoặc bị tiêu huỷ và những sản phẩm có nguy cơ truyền nhiễm Covid-19 sẽ bị thu hồi.

5. Ả-rập Xê-út

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ ngày 10/6/2020, Chính phủ Ả-rập Xê-út chính thức áp dụng Quyết định số 559 về việc sửa đổi Biểu thuế hài hoà (Harmonized Tariff Schedule) và nâng thuế nhập khẩu chung với hàng hoá xuất xứ từ nước ngoài (trừ các nước tham gia ký Hiệp định thương mại tự do với Ả-rập Xê-út). Quyết định 559 nêu trên áp dụng đối với khoảng 2000 dòng sản phẩm thuộc 37 chương hàng hoá khác nhau. Thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng cho nhóm Thực phẩm và đồ uống (sản phẩm từ sữa, rau quả, đường, mật ong,..) dao động từ 7,5% - 25%. Các sản phẩm từ nhựa và cao su dao động từ 6,5% - 15%. Sản phẩm vật liệu xây dựng như gỗ ván,... được áp thuế tối đa đến 15%. Tuy nhiên, gạo và hạt điều - mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường này đều không thuộc đối tượng áp dụng Quy định tăng thuế nhập khẩu số 559.

6. Algeria

Hiệp hội các ngân hàng và cơ sở tài chính Algeria (ABEF) có công văn gửi các ngân hàng trực thuộc thông báo, thực hiện chỉ thị của Tổng thống Algeria về cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp khi Algeria đang trong vụ thu hoạch. Bộ Thương mại nước này vừa ban hành lệnh tạm ngừng nhập khẩu 13 mặt hàng trái cây. Quyết định này nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như tăng cường kiểm soát đối với trái cây nhập khẩu để tránh tình trạng ghi hoá đơn cao hơn giá trị thực và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm vì sức khoẻ của người dân.

Danh sách các mặt hàng này bao gồm cam, quýt, mơ, quả anh đào, quả đào, mận, nho, lê, táo, hạnh nhân, vả, lựu, sơn trà và mộc qua.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN