Editor de continguts
Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại 2011; có hiệu lực chính thức vào ngày 10/12/2020 thay thế cho Nghị định số 75/2012/ NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại. Nghị định số 124/2020/NĐ-CP có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Thứ nhất: Về hình thức khiếu nại, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP chính thức có quy định về mẫu đơn khiếu nại bổ sung và hướng dẫn chi tiết cho quy định về hình thức khiếu nại của Luật Khiếu nại 2011. Quy định này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân trong quá trình tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, phân loại, xử lý đơn khi thống nhất mẫu đơn áp dụng chung cho công dân đến khiếu nại.
Thứ hai : Quy định về giải quyết khiếu nại lần hai, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu có liên quan về vụ việc khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải xem xét thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Người giải quyết khiếu nại lần hai áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần dầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật.”
Thứ ba: Quy định về tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần 2, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại.
Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại.
Người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội).
Đối với các trường hợp khác, có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại”.
Thứ tư : Quy định về đại diện thực hiện khiếu nại, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể như sau:
“Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.
Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong nhưng người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại”.
Thứ năm:Bổ sung quy định về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, Nghị định 124/2020/NĐ-CP gồm các bước: Thụ lý, chuẩn bị nội dung xác minh khiếu nại, tiến hành xác minh nội dung khiếu nại, Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ khiếu nại./.
Minh Nghĩa - Thanh tra Sở