Editor de continguts
I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH THỜI TIẾT
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết vụ Hè Thu 2024, từ tháng 7 đến tháng 8, thời tiết nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN, lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN; tháng 9 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn khoảng 15-30% so với cùng kỳ; có khả năng xuất hiện từ 4-6 cơn bão/ATNĐ trên Biển Đông và khoảng 1-2 cơn có thể ảnh hưởng đến đất liền. Hình thái thời tiết diễn biến theo xu hướng nắng nóng, ẩm độ thấp là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại trong vụ Hè Thu phát sinh gây hại, đặc biệt là bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng trên lúa; nhóm rệp, sâu xanh, sâu khoang trên cây đậu; sâu keo mùa thu trên cây ngô.
II . DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH HẠI
Để chủ động trong công tác phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng vụ Hè Thu 2024, Chi cục Trồng trọt vào Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh dự báo thời điểm phát sinh phát triển và mức độ gây hại một số đối tượng dịch hại chủ yếu như sau:
1. Trên cây lúa
- Bọ trĩ:Với hình thái thời tiết nắng nóng đầu vụ, ẩm độ không khí thấp là điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát sinh gây hại nặng, nhất là trên những chân ruộng thiếu nước, gieo cấy muộn, cao điểm gây hại từ giai đoạn lúa 2-3 lá đến kết thúc đẻ nhánh.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Cuối vụ Xuân 2024, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại cục bộ trên các chân ruộng gieo cấy muộn, bón thừa đạm là nguồn chuyển tiếp gây hại trên lúa Hè Thu, cao điểm gây hại từ giai đoạn đẻ nhánh rộ đến trổ bông, cần thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, nếu mật độ sâu cao, tiến hành xử lý bằng thuốc BVTV để hạn chế sự phát sinh gây hại, nhất là giai đoạn lúa làm đòng trở đi.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng : Dự báo rầy phát sinh gây hại 3 lứa, cụ thể: Rầy lứa 1 xuất hiện và tích lũy số lượng, mật độ thấp, diện phân bố hẹp vào giai đoạn đẻ nhánh (20-30/6); rầy lứa 2 phát sinh gây hại vào giai đoạn lúa làm đòng (15-30/7), có khả năng xuất hiện với mật độ cao ở dạng ổ, thời điểm này cần chủ động phát hiện và tiến hành khoanh vùng, xử lý kịp thời để hạn chế rầy phát tán lây lan; rầy lứa 3 phát sinh gây hại vào giai đoạn trổ bông - chín (5/8-5/9), dự báo đây là lứa rầy có diện phân bố rộng, mật độ rầy cao có thể gây cháy làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa Hè thu nếu không chủ động phòng trừ kịp thời.
- Nhện gié:Phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm độ thấp, trên những chân ruộng bón thừa đạm, gieo cấy dày. Nhện thường gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, trên tất cả các bộ phận của cây, cao điểm gây hại từ giai đoạn lúa phân hoá đòng trở đi.
- Bệnh lùn sọc đen Phương Nam, bệnh vàng lá di động: Là hai đối tượng dịch hại rất nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị, khi cây lúa bị nhiễm bệnh, cây sinh trưởng phát triển kém, trổ không thoát, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Để có giải pháp phòng chống bệnh kịp thời, ngay từ đầu vụ sản xuất các địa phương cần thu mẫu rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen (pha trưởng thành), mẫu lúa để phân tích xác định nguồn virút nhằm chủ động phương án tổ chức phòng trừ kịp thời.
- Bệnh khô vằn:Nguồn bệnh khô vằn luôn sẵn có trên đồng ruộng, tồn tại trên cỏ bờ, trên tàn dư cây vụ Xuân, trong đất là nguồn chuyển tiếp gây hại trên lúa Hè Thu, nhất là trên những diện tích sâu trũng, bón thừa đạm; hình thái thời tiết nóng ẩm, có nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho hạch nấm phát sinh, phát triển và lây lan trên diện rộng, cao điểm gây hại từ giai đoạn phân hóa đòng đến cuối vụ.
- Bệnh bạc lá: Caođiểm gây hại từ giai đoạn đứng cái đến ngậm sữa, bệnh gây hại nặng trên những chân ruộng gieo cấy dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, đặc biệt sau những đợt mưa lớn, bộ lá bị tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây hại, một số giống nhiễm như: Lai thơm 6, Thái Xuyên 111, Nhị Ưu 838,…
- Chuột: Vụ Xuân 2024, chuột phát sinh gây hại từ đầu vụ, diện tích gây hại 450ha, là nguồn tích lũy và chuyển tiếp để gây hại trong vụ Hè Thu, cần tập trung tổ chức diệt chuột từ khi bước vào sản xuất Hè Thu. Căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất để tổ chức diệt chuột hạn chế nguồn tích lũy ngay từ đầu vụ, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, chú trọng công tác diệt chuột trước khi bước vào gieo cấy, tổ chức diệt chuột theo Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 8/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai diệt chuột bảo vệ sản xuất.
2. Trên cây trồng cạn
2.1. Cây đậu: Sâu xanh, sâu khoang, rệp có khả năng phát sinh gây hại từ giai đoạn cây con; sâu đục quả, bệnh gỉ sắt phát sinh gây hại từ giai đoạn phát triển quả đến cuối vụ.
2.2. Cây ngô: Sâu keo mùa thu là loài sâu hại có sức ăn lớn, khả năng di trú nhanh, vòng đời ngắn, gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cao điểm gây hại giai đoạn ngô 3-5 lá đến cuối tháng 8; bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, sâu đục thân gây hại giai đoạn 7- 9 lá đến cuối vụ, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến để có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
3. Trên cây ăn quả
- Ruồi đục quả:Ruồi trưởng thành xuất hiện rộ vào khoảng tháng 5, từ tháng 7 trở đi ruồi hoạt động mạnh và đẻ trứng vào những quả chín sớm. Khi quả bắt đầu chín, mật độ ruồi gia tăng nhanh; căn cứ vào các thời điểm xuất hiện và gây hại để có biện pháp phòng trừ, có thể sử dụng các loại bẫy để diệt trừ trưởng thành như bẫy pheromone, bẫy dính,…; sử dụng biện pháp bao quả; linh hoạt trong thu hoạch,…
- Nhóm nhện: Nhện là loài sinh vật gây hại phổ biến trên cây có múi, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng và khô rất thích hợp cho nhện phát triển và gây hại nặng. Nhện gây hại làm rụng quả non, giai đoạn quả lớn nhện tích lũy mật độ cao gây hiện tượng rám quả ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng, khi hại nặng có thể làm rụng quả./.
Chi cục Trồng trọt & BVTV