Editor de continguts
1. Đánh giá tình hình
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai, chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối; về các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật. Sở hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực dễ phát sinh việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng như thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, địa bàn Hà Tĩnh có các điều kiện dễ phát sinh và khó kiểm soát các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng: có đường biên giới và cửa khẩu quốc tế với Lào; địa hình phức tạp với cả miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt đan xen.
2. Kết quả thực hiện
- Để tổ chức thực hiện Kế hoạch số 87/KH-BCĐ389 của ban chỉ đạo tỉnh, Sở ban hành Kế hoạch số 540/KH-SNN ngày 30/12/2022 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Đồng thời các đơn vị Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Chi cục Kiểm Lâm; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Thủy sản tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Cho đến thời điểm báo cáo, Đoàn kiểm tra chất lượng hàng hóa, vật tư nông nghiệp trong sản xuất vụ Xuân và vụ Hè Thu năm 2024 của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã phát hiện một số tồn tại hạn chế trong hoạt động kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp tại một số địa phương như: Kinh doanh một số loại giống lúa ngoài cơ cấu theo Đề án sản xuất vụ Xuân năm 2024; kinh doanh giống chưa được cấp quyết định lưu hành; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật lưu hành; kinh doanh thuốc thuốc thú y, phân bón không không có giấy chứng nhận đủ điều kiện (hoặc đã quá hạn); các phương tiện đo lường (cân) bị quá hạn kiểm định nhưng không tiến hành kiểm định lại. Đoàn đã báo cáo và kịp thời tham mưu Giám đốc sở ban hành Văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các tồn tại nêu trên.
- Trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin. Sở luôn chú trọng công tác phối hợp với các ngành, lực lượng Trung ương, phối hợp giữa các thành thành phố với nhau. Thanh tra Sở, thanh tra chuyên ngành các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ngành chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Y tế…trong công tác trao đổi thông tin, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. Đặc biệt, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Về hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua các cuộc họp cơ quan, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền thông qua hệ thống mạng nội bộ của cơ quan.
- Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm hành chính về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (22 vụ Buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, 01 vụ vi phạm về gian lận thương mại). Tổng thu nộp ngân sách nhà nước 106,5 triệu đồng. Trong kỳ báo cáo không phát sinh các vụ việc phải khởi tố hình sự. (có biểu chi tiết kèm theo)
3. Nhận xét, đánh giá
- Ưu điểm: Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được Cấp ủy, Lãnh đạo Sở chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên; các vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật, chưa để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính; Có sự tham gia phối hợp tốt giữa các đơn vị trong ngành, sự phối hợp tốt của các ban ngành trong tỉnh và các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân: Số lượng cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Sở còn ít so với yêu cầu nhiệm vụ, trong khi khối lượng công việc lớn, địa bàn quản lý rộng do đó việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn; Đối với Hà Tĩnh, lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh khác, một số doanh nghiệp bán hàng bằng nhiều hình thức, có thể cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến tận đồng ruộng của người dân mà không qua kênh phân phối nào trên địa bàn nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ; khi phát hiện hành vi vi phạm thì các đơn vị này nằm ngoài địa bàn nên khó xử lý và việc khắc phục hậu quả thường khó thực hiện vì hàng hóa đã được tiêu thụ.
4. Dự báo tình hình và các giải pháp
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Theo đó, một số nhiệm vụ cần chú trọng trong thời gian tới như sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
- Giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh, không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép, sản xuất và kinh doanh hàng giả thuộc phạm vi quản lý.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian tới theo hướng phân công, phân cấp cụ thể từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, đặc biệt là gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vào các dịp lễ và đầu các vụ sản xuất nông nghiệp.
Trên đây là báo cáo kết quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
Trần Phan Cẩm Nhung – Thanh tra Sở