Navigationsmenü

Asset Publisher

Banner trái

Web Counter

Asset Publisher

angle-left An toàn, hiệu quả trong sản xuất vụ Đông

Kế hoạch gieo trồng các loại cây ngắn ngày vụ Đông năm 2024 đạt 12.603ha, cây lâu năm 390ha, vụ Đông được xác định là vụ sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích cao, nhất là các loại rau phục vụ cho tiêu dùng vào dịp tết nguyên đán. Tuy nhiên, sản xuất vụ Đông hiện nay đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn đó là: Mưa lụt đầu vụ, rét đậm, rét hại giai đoạn cuối cụ, dịch hại, giá cả vật tư đầu vào cao, tiêu thụ sản phẩm không ổn định, thiếu nhân lực lao động,...

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ nay đến tháng 11/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 05-06 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 03 cơn đổ bộ vào đất liền tập trung ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Mưa lớn ở Hà Tĩnh tập trung chính vào nửa cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 11/2024, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 12/2024, đặc biệt hoạt động mạnh vào tháng 01 và tháng 02/2025; hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 01/2025.

 

Sản xuất ngô Đông tại huyện Hương Khê

Sản xuất ngô Đông tại huyện Hương Khê

 

Để sản xuất vụ Đông 2024 đạt kết quả cao nhất bà con nông dân cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Chuẩn bị trước khi gieo trồng

- Ưu tiên trồng các loại cây rau đậu, ngô nếp, ngô sinh khối, khoai lang, bí xanh, bí đỏ, hành ta, su hào, súp lơ, các loại sau cải…, trồng lệch vụ, rải vụ để tiêu thụ thuận lợi và hạn chế rủi ro khi thời tiết bất thuận.

- Đối với các cây trồng có thể làm bầu như: Bí xanh, dưa chuột, ớt, cà chua...
làm bầu to, bầu sớm để tranh thủ thời vụ và hạn chế tác động của điều kiện thời tiết
bất thuận.

- Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Dưa lưới, dưa chuột, hoa các
loại... có thể xây dựng nhà lưới kiên cố hoặc bán kiên cố để chủ động thời vụ, đảm bảo an toàn sản xuất.

- Đối với các loại cây thu hoạch ngắn ngày như các loại cải (cải mầm, cải
ngọt...) lên luống cao có mái che tạm thời, sử dụng màng phủ nông nghiệp tránh các bất lợi do thời tiết xảy ra.

2. Cơ cấu giống và thời vụ

- Ngô lấy hạt: Sử dụng các giống NK7328, NK4300, NK6275, SSC586, TQ519, VS36, CP519, CP311, CP111, P4311, P4554, PAC339, PAC789, LVN99, LVN669; bố trí thời vụ xuống giống linh hoạt nhằm né tránh mưa bão, phấn đấu kết thúc thu hoạch trước 15-20/1/2024. Trà ngô Đông muộn - Xuân sớm bố trí ở vùng bãi thấp không gieo trỉa lạc vụ Xuân, thời vụ từ 15/11 đến 10/12/2024.

- Nhóm ngô nếp lấy bắp tươi: Sử dụng các giống MX10, MX6, HN68, HN88, TBM18, HN90; đối với vùng gieo trỉa trên đất lạc Xuân, ngô Xuân, thời vụ xuống giống phấn đấu kết thúc trước 30/10/2024; đối với vùng không sản xuất lạc Xuân bố trí thời vụ để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa hiệu quả sản xuất.

- Ngô sinh khối: Sử dụng các giống NK7328, NK4300, NK6275, CP512, SSC586, CP311, P4311, P4554, VS36, PAC339, PAC789,... do không phụ thuộc vào thời tiết ở giai đoạn trổ cờ, phun râu, người dân chủ động thời gian thu hoạch, vì vậy có thể bố trí linh hoạt về thời điểm xuống giống. Đối với vùng sản xuất trên đất
lạc Xuân thời vụ kết thúc trước 30/10/2024

- Dưa lưới, cải các loại, xà lách, rau gia vị, su hào, bí xanh, dưa chuột, đậu đỗ, hành, kiệu, cà chua,… khuyến cáo sử dụng các giống hạt lai F1. Căn cứ vào diễn biến thời tiết bố trí linh hoạt thời vụ nhằm né tránh ảnh hưởng của bão, mưa lũ, khung thời vụ gieo trồng liên tục từ tháng 9 đến tháng 12, bố trí gieo trồng rải vụ hạn chế tác động của điều kiện thời tiết bất thuận.

- Cây khoai lang: Sử dụng nguồn giống sẵn có tại địa phương và các giống Hoàng Long, Chiêm bông, KL5, KB1, KTB2, KTB3…. Thời vụ trồng khoai lang Đông kết thúc trước 30/10.

3. Làm đất

- Thực hiện tốt kỹ thuật làm đất, làm đất tối thiểu hoặc không làm đất, trồng gối đối với cây ưa ấm như: ngô, đậu tương, bí xanh, bí đỏ, khoai lang…

- Phải chủ động tưới tiêu, lên luống cao, vét rãnh sâu xung quanh, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, ruộng không bị khô, hạn, ngập úng.

- Tận dụng rơm rạ, cây bèo để tủ gốc tránh gặp mưa bị trôi đất, dí gốc.

4. Bón phân

Bón phân cân đối và hợp lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, nên sử dụng phân bón tổng hợp NPK hoặc NPK đa yếu tố chuyên dùng cho từng loại cây. Thu gom rơm rạ và các phế phụ phẩm dư thừa để tận dụng nguồn phân hữu cơ; bón đủ lượng, chú ý bón lót là chủ yếu, bón thúc sớm.

5. Phòng trừ sâu bệnh kịp thời

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo các đối tượng dịch hại trên cây trồng, chú trọng các đối tượng gây hại chính trên cây trồng vụ Đông như: nhóm sâu ăn lá (sâu xanh, sâu tơ, sâu khoang), bệnh sương mai, thán thư, lỡ cổ rễ; rệp muội, bọ nhảy,...trên cây rau; sâu keo mùa thu, sâu cắn lá, bệnh khô vằn hại ngô để có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

6. Thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm

Căn cứ tình hình thực tiễn sản xuất, diễn biến thời tiết và nhu cầu thị
trường để tập trung triển khai thu hoạch sản phẩm đúng thời điểm, hạn chế tối đa
rủi ro do ảnh hưởng của mưa bão. Chủ động liên kết với các thương lái, doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm kịp thời, phấn đấu kết thúc trước mùa mưa bão.

Để sản xuất vụ Đông đạt kết quả cao bà con nông dân cần linh hoạt trong bố trí thời vụ; đa dạng các chủng loại cây trồng và phương thức canh tác; chú trọng các hình thức trồng gối, trồng xen, sản xuất rãi vụ ... để né tránh thiên tai và thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm.

 

Đặng Thị Thuận

Asset Publisher

Asset Publisher