Asset Publisher
Từ xa xưa, mật mía là sản phẩm rất đỗi thân quen đối với nhiều người. Người miền Trung thường sử dụng mật mía vào chế biến món ăn như kho thịt cá, làm kẹo, làm các loại bánh, … Đặc biệt người Hà Tĩnh còn dùng mật mía để tạo nên thương hiệu kẹo Cu Đơ nổi tiếng khắp cả nước. Trong đó xã Hương Bình (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những nơi sản xuất ra mật mía ngon nhất nhì của tỉnh.
Với kinh nghiệm từ nhiều thế hệ truyền lại, làng nghề mật mía truyền thống ở Hương Bình đã nổi tiếng khắp tỉnh Hà Tĩnh bởi chất lượng mật sánh mịn, đặc, thơm, có màu vàng cánh dán đặc trưng không lẫn vào đâu được. Được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng đất Hương Bình rất hợp với việc trồng mía. Mía nơi đây trồng ít khi bị sâu bệnh và có độ ngọt cao nên sản xuất ra mật có vừa đặc sánh lại vừa thơm ngon. Mía khi đã “chín” tiến hành khai thác, ép lấy nước mía. Nước mía sẽ được lọc qua vài lần sau đó tiến hành nấu. Cùng với việc chọn giống mía, hiện nay quy trình nấu mật ở Hương Bình cũng có những bước cải tiến và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để gìn giữ thương hiệu mật mía Hương Bình.
Là người kế thừa nghề sản xuất mật mía từ đời ông bà để lại, anh Lê Đăng Thành (thôn Bình Hải, xã Hương Bình) chia sẻ bí kíp truyền thống sản xuất ra mật ngon của gia đình mình: “Công đoạn nấu mật là công đoạn quan trọng nhất, quyết định thành bại của quá trình sản xuất mật. Nước mía sau khi lọc sạch được nấu trong những nồi lớn, lửa luôn ổn định, không quá lớn, cũng không quá nhỏ. Nếu lửa quá lớn sẽ làm mật trào, cháy làm cho mật có màu đen không ngon, còn lửa “non” quá thì sẽ mất thời gian và độ chín của mật không tới cũng không ngon. Người thợ luôn túc trực tại bếp trong giai đoạn này”.
Có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nấu mật mía, hiện nay gia đình bà Nguyễn Thị Lý (62 tuổi, thôn Bình Hải) còn đầu tư máy ép mía hệ thống nấu mật để người dân trong xã có nhu cầu nấu mật đến thuê. Bà Lý cho biết thêm: “Trong quá trình nấu mật mía phải vớt váng, nếu như không vớt hết lớp váng này thì màu mật sẽ xấu. Một mẻ mật mía đạt chất lượng phải đạt yêu cầu về màu, mùi, vị và phải đảm bảo sạch sẽ mới giữ chân được khách hàng. Mật mía khi tới đây nếu sánh mịn, đặc, thơm, có màu vàng cánh dán thì mới đảm bảo chất lượng”.
Nấu mật mía
Hàng năm, mặc dù giá mật mía cũng có nhiều biến động, tuy nhiên những người làm nghề nấu mật mía nơi đây vẫn ổn định thu nhập, trung bình mỗi tấn mía người dân lãi 1,5 đến 2 lần so với bán mía nguyên liệu bởi ép và nấu mật mía người dân tận dụng được tất cả các phế phẩm từ cây mía nên chi phí thấp. Với giá bán 50.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, với 100 lít mật mía, người nấu mật thu gần 3 triệu đồng tiền lãi.
Thời gian tới, người dân xã Hương Bình tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía cũng như tìm hiểu thêm kỹ thuật nấu mật hiện đại hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm mang những giọt mật mía ngọt thơm của Hương Bình đến tay người tiêu dùng./.
Hoàng Thanh