Navigationsmenü

Asset Publisher

angle-left Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và giá cả vật tư phục vụ sản xuất tăng cao, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: tổng diện tích gieo cấy lúa 104.781 ha, sản lượng trên 57,9 vạn tấn; cam 7.765 ha, sản lượng ước đạt trên 73.634 tấn; bưởi 4.203 ha, sản lượng 31.223 tấn; chè 1.218 ha, sản lượng búp tươi 9.957 tấn; tổng đàn lợn 408.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 71.635 tấn; bò 168.550 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.815 tấn; tổng đàn hươu 37.661 con, 17 tấn nhung;gia cầm 10,1 triệu con, thịt gia cầm 25.038 tấn; nuôi trồng thủy sản đạt 15.782 tấn, khai thác thủy sản 38.628 tấn; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, bình quân cả năm 2021 đạt 3,78%.

          I. Một số kết quả đạt được.

  1. Về công tác hỗ trợ phát triển sản xuất áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.

          Thời gian qua tỉnh xác định việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng, khẳng định thương hiệu nông sản Hà Tĩnh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nên đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 123/2018/NQHĐND, Nghị quyết số 255/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 215/2020/NQ-HĐND để thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổng kinh phí thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 đạt  99 tỷ đồng, bình quân 27 tỷ đồng/năm.

Thông qua các Chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm đã lồng ghép hỗ trợ, phát triển, mở rộng các vùng/cơ sở sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đến nay có 434 cơ sở được chứng nhận đạt VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP, ISO,… cụ thể:

 a) Lĩnh vực trồng trọt:

- Về lúa gạo:

          Tổng diện tích gieo cấy 104.781 ha, sản lượng đạt trên 57,9 vạn tấn, trong đó diện tích VietGAP 110 ha, sản lượng 1.000 – 1.200 tấn/năm, sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 114ha, sản lượng 570 tấn/vụ.

          Thời gian qua, đã xây dựng được thương hiệu gạo Xuyên Hương, gạo hữu cơ trên ruộng Rươi Cáy, gạo hữu cơ Quế Lâm,…có thị trường tiêu thụ ổn định với giá bán cao hơn so với giá thị trường các loại gạo cùng loại.

          - Cây ăn quả:

          + Bưởi Phúc Trạch:

          Tổng diện tích bưởi Phúc Trạch đạt 3.419 ha, sản lượng 26.772 tấn, trong đó diện tích VietGAP đạt 448,1 ha, sản lượng khoảng 5.470 tấn, diện tích GlobalGAP 5 ha, sản lượng 100 tấn đã có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU, diện tích trong vùng chỉ dẫn địa lý 2.670ha, sản lượng 22.010 tấn. Sản lượng giao dịch qua sàn thương mại điện tử, các hệ thống siêu thị lớn BigC, Coopmart đạt 1.500 tấn với giá bán cao hơn giá thị trường tự do 10-15%.

          + Về cây cam:

          Tổng diện tích cam hiện có trên 7.470 ha với sản lượng đạt trên 56.779 tấn, trong đó diện tích VietGAP đạt 1.956,51 ha, sản lượng trên 19.000 tấn. Thu thập số hóa dữ liệu 1.848 ha cho 274 HTX, THT với 1.555 hộ sản xuất cam chanh, cam bù. Sản lượng giao dịch qua sàn thương mại điện tử,  các hệ thống siêu thị lớn BigC, Coopmart đạt 10.000 tấn với giá bán cao hơn giá thị trường tự do 10-15%.

 b) Lĩnh vực chăn nuôi

Trong chăn nuôi hiện có 10 cơ sở sản xuất chăn nuôi được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAHP đang có hiệu lực, gồm: 01 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 05 cơ sở chăn nuôi lợn, 02 cơ sở chăn nuôi gà, 02 cơ sở chăn nuôi ong.

c) Lĩnh vực thủy sản

          Diện tích nuôi 7.369,2 ha trong đó nuôi nước ngọt 4.623ha, nuôi nước mặn, lợ 2.746 h; sản lượng 15.782 tấn. Diện tích nuôi thâm canh, công nghệ cao 510 ha, sản lượng 2.800 tấn.

          Sản phẩm thủy hải sản chủ yếu được tiêu thụ nội tỉnh và một số tỉnh thành trong cả nước (tôm ở các tỉnh phía Bắc, nhuyễn thể và hải sản biển ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hải Phòng).

          d) Lĩnh vực lâm nghiệp

          Trồng rừng tập trung đạt 8.530 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 550,5 ha, chăm sóc rừng trồng 23.000 ha, sản lượng khai thác gỗ nguyên liệu đạt trên 470.289 m3, đến hiện tại có 19.000 ha rừng tự nhiên và 2.300 ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC, 317 ha rừng trồng (tại Tây Kim - Hương Sơn) nằm trong chuỗi liên kết tiêu thụ với Công ty chế biến gỗ Khe Cò - Hương Sơn và chuẩn bị cấp chứng chỉ FSC cho 1.700 ha rừng trồng vào năm 2022.

e) Lĩnh vực chế biến

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 26 cơ sở được chứng nhận HACCP, GMP, tiêu chuẩn ISO22000… còn hiệu lực, gồm: 16 cơ sở có giấy chứng nhận HACCP (01 chế biến gạo, 02 chế biến chè, 02 chế biến nhung hươu, 02 chế biến mật ong; 09 chế biến thủy sản); 06 cơ sở có giấy chứng nhận GMP(01 chế biến gạo, 02 chế biến thịt, 01 chế biến nhung hươu, 02 chế biến thủy sản); 04 cơ sở giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO22000 (01 chế biến gạo, 02 chế biến nấm, 01 chế biến thủy sản).

2. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

          - UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 16/8/2021 tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh, thành lập tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, tổ chức hội nghị trực tuyến sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, Cam chanh năm 2021 với 300 điểm cầu truyền hình trong và ngoài tỉnh; Kế hoạch 381/KH-UBND ngày 14/10/2021 về tổ chức các hoạt động quảng bá, hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ Cam Hà Tĩnh năm 2021;

          - Ban hành Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời đang giao Sở Thông tin và Truyền thông xây tham mưu dựng Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025;

          - Ban hành văn bản số 6542/UBND-NL giao các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và bản số 6802/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau Covid-19;

          - Ban hành văn bản số 7205/UBND-NL ngày 27/10/2021 gửi các Tập đoàn phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử, các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản, doanh nghiệp phân phối… đề nghị hỗ trợ quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ Cam Hà Tĩnh.

          3. Hỗ trợ chuyển đổi số, thu thập thông tin, số hóa dữ liệu cho các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

          - Đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cây bưởi Phúc Trạch và cây ăn quả có múi, thu thập thông tin, xử lý, số hóa dữ liệu cho 2.609 hộ sản xuất, kinh doanh bưởi Phúc Trạch (thuộc 02 DN, 06 HTX, 128 THT và 13 vùng sản xuất) với diện tích là 899 ha; số hóa dữ liệu 1.873 ha của 1.611 hộ dân thuộc 14 HTX, 264 THT sản xuất cam chanh, cam bù theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; xây dựng Web thông tin, App bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh;

          - Hỗ trợ số hóa dữ liệu cho 11.000 m2 nhà màng ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh kết nối, điều khiển tự động trong quá trình tưới nước và bón phân của 99 hộ và 12 HTX, THT với diện tích 109 ha, sản lượng 4.473 tấn rau các loại

          - Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 150 cơ sở chế biến thực phẩm nông nghiệp đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 270 sản phẩm, cùng với tiến trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp các cơ sở này đã được chọn để thí điểm số hóa thông tin về quy trình, nhật ký sản xuất đưa lên các hệ thống phần mềm quản lý như: Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, chuyển đổi số Chương trình OCOP Hà Tĩnh... đang từng bước minh bạch hóa thông tin sản phẩm, khẳng định uy tín, thương hiệu sẵn sàng tiếp cận tốt với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

          - Hỗ trợ tập huấn kỹ năng bán hàng và xây dựng các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn (Sendo, Voso, Postmart, Hatiplaza) cho các cơ sở sản xuất, đến nay đã kết nối đưa sản phẩm Cam Vũ Quang vào bán trong hệ thống siêu thị Co.op mart toàn quốc; cam Khe Mây đang ký hợp đồng lâu dài vào hệ thống Vinmart toàn quốc, sau khi kết nối vào siêu thị giá cam đã tăng so với đầu vụ từ 10-15.000 đồng/kg.

          - Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Tĩnh phối hợp tổ chức “Phiên chợ OCOP”, phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình và các nền tảng số vào lúc 10 giờ sáng thứ 7 hằng tuần, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng; tạo điều kiện cho các cơ sở OCOP có cơ hội quảng bá, giới thiệu, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm; giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, hiểu và sử dụng các sản phẩm chất lượng.

* Đánh giá chung

Đến thời điểm hiện tại, thực tiễn tại các địa phương, các sản phẩm chủ lực đã được xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản xuất và quản lý theo các tiêu chuẩn quốc gia đã được thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chấp nhận, cụ thể:  

- Bưởi Phúc Trạch: tiêu thụ 100%, giá bán bình quân 20.000 – 25.000 đ/kg, lãi tăng so với đầu tư 2 – 3 lần;

- Cam chanh: hiện tại đã tiêu thụ hơn 35.000 tấn, thông qua sàn thương mại điện tử giá chuyển biến tốt, tăng 10.000 – 15.000 đ/kg so với đầu vụ thu hoạch;

- Các sản phẩm chế biến thủy hải sản như nước mắm, ruốc, mực khô,.... đã xây dựng được thương hiệu, tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa;

- Gỗ rừng trồng: cơ bản được các nhà máy trong và ngoài tỉnh thu mua làm nguyên liệu chế biến gỗ công nghiệp;

- Ngoài ra các sản phẩm khác như rau đậu thực phẩm giá bán khá cao, thời điểm cao nhất là 30.000đ/kg, chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa.

          II. Định hướng và giải pháp trong thời gian tới

          1. Lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế, thị trường tiêu thụ ổn định, sản lượng tương đối lớn để phát triển theo hướng hàng hóa, cụ thể:

+ Cây ăn quả: hiện tại diện tích bưởi Phúc Trạch 3.419 ha, sản lượng 26.772 tấn, cam 7.470 ha, sản lượng 56.779 tấn; nên hướng đi sắp tới là không tiếp tục mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư thâm canh, rà soát những diện tích không phù hợp chuyển đổi sang cây lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sản xuất ổn định, tránh tình trạng dư thừa nguồn cung;

+ Chăn nuôi: phát triển đa dạng các loại vật nuôi, đặc biệt là các loại vật nuôi đặc hữu, đặc sản, không mở rộng chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ chỉ phát triển những cơ sở đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, bảo đảm môi trường;

+ Gỗ rừng trồng: Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn; bố trí diện tích mặt bằng đủ lớn và kêu gọi đầu tư trung tâm chế biến đồ mộc cao cấp tại Vũng Áng với đầy đủ hệ thống chế biến, sấy, tổng kho (phôi, nguyên liệu, sản phẩm...)... để tạo bước đột phá tăng trưởng cho ngành chế biến lâm sản.

+ Chè: tiếp tục ổn định diện tích, đột phá về công tác giống để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng tới các thị trường tiềm năng ngoài các thị trường truyền thống;

+ Sản phẩm thủy hải sản, chế biến: Xác định đây là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn, phát triển bền vững gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa; ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi nhằm đảm bảo cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; có thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

          2. Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết bền vững giữa người dân với các doanh nghiệp từ đầu vào sản xuất cho đến đầu ra sản phẩm để đảm bảo ổn định thị trường và giá cả cho sản phẩm, tránh tình trạng tự phát dẫn đến giá vật tư tăng cao mà giá nông sản lại giảm do qua nhiều khâu trung gian tiêu thụ;

          3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp công nghệ:

- Công nghệ về giống: ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống cây trồng, vật nuôi như công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng, mô hom,… coi đây là bước đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, trọng tâm là xây dựng được bộ giống lúa chủ lực, giống cây ăn  quả như cam, bưởi; giống hươu; giống thủy sản; giống cây lâm nghiệp;

- Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, GMP, HACCP, ISO,… gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu nhằm hướng tới phát triển sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, cung ứng cho người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo vào quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đưa các sản phẩm chủ lực, đặc sản được giám sát chất lượng lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả hệ thống các chính sách hỗ trợ, kích cầu các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa giai đoạn 2022-2025 sau khi được HĐND tỉnh thông qua.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN