Navigationsmenü

Asset Publisher

angle-left Nông dân Hà Tĩnh ứng dụng KHKT vào sản xuất rauthích ứng với  biến đổi khí hậu

Hà Tĩnh là 1 một trong những tỉnh có nền nhiệt nắng nóng về mùa hè cao nhất cả nước. Theo đó, để có thể sản xuất rau trong mùa hè đối với nông dân là một điều khó khăn, nhất là đối với năm 2024 được dự báo là một năm có nhiều đợt nắng nóng và khô hạn. “Cái khó ló cái khôn”, đã có rất nhiều hộ nông dân, HTX của các huyện như Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh,… đã áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất thích ứng với việc biến đổi khí hậu.

Vườn của ông Trịnh Văn Châu ở thôn Tân An (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) có tổng diện tích hơn 3.000 m2, trong đó, khoảng 600 m2 xây dựng giàn mướp đắng; hơn 300 m2 trồng bí, cà dừa và khu vực trồng cây ăn quả. Mỗi năm, khu vườn này đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Trước đây, cũng trên diện tích này nhưng gia đình ông trồng theo kiểu truyền thống, rất ít sự đầu tư chăm sóc nên hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể. Từ ngày xã Cẩm Bình xây dựng nông thôn mới, ông Châu được học hỏi nhiều kỹ thuật hay, nhiều biện pháp canh tác nông nghiệp hiệu quả nên ông đã học hỏi và áp dụng theo. Ông Châu đã đầu tư dàn tưới phun sương tự động. Cùng với đó, ông đã áp dụng quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường. Vì thế, dù nắng nóng nhưng các loại cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt, cây bền, cho trái nhiều. Ông Châu cho biết: “Mùa hè dù nắng nóng nhưng gia đình sử dụng hệ thống tưới bằng béc tưới và tưới phun sương nên cây khi nào cũng được cung cấp dinh dưỡng, mát mẻ nên cho trái cũng nhiều, thu nhập cũng cao. Hiện cà dừa có giá bán 17.000- 20.000 đồng/kg, mướp đắng có giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, cao hơn các năm trước chưa áp dụng tiến bộ KHKT 8.000-10.000 đồng/kg”.

 

Cách nhà ông Châu không xa, khu vườn gia đình bà Nguyễn Thị Xuân có 4 sào sản xuất bí đao, mướp ngọt, mướp đắng. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT thông qua các lớp tập huấn nên vườn rau quả của gia đình ngày càng cho hiệu quả hơn. Bà Xuân chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục và dùng chế phẩm sinh học phun tưới cho cây nên cây sinh trưởng phát triển tốt, kéo dài thời kỳ cho quả, sản lượng và chất lượng, mẫu mã quả cũng tăng 15-20% so với cách làm cũ, được nhiều người tin dùng. Thay vì bán lẻ ở chợ, chủ yếu số lượng rau, quả hiện nay được các thương lái đến tận nhà đặt hàng và thu mua.

 

Còn đối với nhiều hộ dân thành phố Hà Tĩnh đã có đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất các loại cây rau. Hình thức canh tác này giúp người dân làm chủ được quy trình sản xuất, cũng như giảm thiểu được rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh tác động lên cây trồng, nhất là khi sử dụng nhà màng, nhà lưới, nhiều loại rau quả trái vụ vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Trong đó điển hình là HTX Thanh niên Thành Sen (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh). Đến thời điểm này là giữa tháng 5 mùa hè, những giàn cà chua được trồng trong nhà màng vẫn đang sai trĩu quả. Trong khi đó, những diện tích cà chua được trồng trong các vườn hộ đã tàn lụi do nắng nóng.

 

Anh Nguyễn Tiến giáp – HTX Thanh niên Thành Sen - chia sẻ: “HTX có 5.000 m2 nhà màng sản xuất nhiều loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn hữu cơ như: Cà chua, dưa chuột, cải thảo,…Thường mùa nào rau đó, nhưng để vừa đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX đã tìm hiểu đón đầu thị trường và lựa chọn giống phù hợp để sản xuất. Điều quan trọng là khi sản xuất trong nhà màng, được cách ly với thời tiết bên ngoài, tránh được nhiều loại sâu bệnh, cũng như thời tiết khắc nghiệt tác động trực tiếp đến cây trồng nên vẫn cho sản lượng cao mà bán lại được giá. Đơn cử như cà chua, được trồng chính vụ từ khoảng tháng 11 đến tháng 2 hàng năm nhưng hiện tại HTX vẫn cho thu hoạch đều, trung bình 2 tạ mỗi ngày. Nếu chính vụ cà chua bán giá 15 - 20 nghìn đồng/kg thì  khi trồng trái vụ, cà chua có giá giao động từ 30 - 40 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập cao hơn nhiều”.

 

Ông Dương Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn cho biết, trên địa bàn xã Đồng Môn, hiện nay, ngoài mô hình trồng cà chua trong nhà màng của HTX Thanh niên Thành Sen thì còn có một số cơ sở cũng áp dụng nhà màng để sản xuất các loại rau củ trái vụ, với tổng diện tích khoảng 10.000m2. Các cơ sở sản xuất và người dân đã biết áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế, điều quan trọng là khi biết đầu tư và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất các loại rau, quả sẽ nâng cao sản lượng, chất lượng và bán được giá cao hơn, mang lại thu nhập khá nên người dân có động lực mở rộng sản xuất.

Nổi bật trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh phải kể đến mô hình nhà màng trồng rau thủy canh và các loại rau ăn quả của HTX An Tâm Farm ở thôn Trường Lam, xã Xuân Hải (Nghi Xuân) đã giúp năng suất các loại rau quả tăng từ 20-30% so với sản xuất theo truyền thống. Với diện tích hơn 1.000 m2, các nhà màng được HTX sản xuất nhiều loại rau quả khác nhau như: rau cải ngồng, cải bó xôi, cái thìa, cải cầu vồng và xà lách xoan xanh, xà lách tím; các loại cà chua, dưa chuột và dưa lê hàn quốc, ...

Rau được trồng theo phương pháp thủy canh của HTX An Tâm

Anh Võ Thành Tâm - Giám đốc HTX An Tâm Farm - chia sẻ: “So với trồng rau trên đất, mô hình thủy canh cho năng suất cao hơn. Với vườn rộng 500m2 trồng bằng đất năng suất chỉ đạt 15kg một ngày, nhưng trồng thủy canh có thể đạt 50 kg mỗi ngày”.

Mô hình của HTX An Tâm Farm trồng khép kín từ ươm giống đến trồng, điều chế nước tưới, cung cấp dinh dưỡng cho rau nên những lứa rau cho thu hoạch đảm bảo chất lượng, đạt năng suất cao và bán được với giá cao hơn so với các loại rau củ sản xuất truyền thống.

Rõ ràng việc thay đổi tư duy mùa vụ, cộng với sự đầu tư chăm sóc, biết áp dụng các tiến bộ KHKT thích hợp vào sản xuất thì những loại cây trồng, rau màu giúp nông dân Hà Tĩnh đạt được năng suất và chất lượng như chính vụ, giá bán lại cao hơn. Đây cũng là giải pháp để thích ứng với sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, cũng chính là giải pháp tránh tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm như trồng các loại rau quả chính vụ./.

Hoàng Thanh