Asset Publisher
Nuôi hươu lấy nhung là nghề truyền thống của người dân Hương Sơn. Sau nhiều thập kỷ thăng trầm, đến thời điểm này phải khẳng định hươu sao không chỉ là vật nuôi chủ lực của huyện Hương Sơn mà còn của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài việc phát triển tổng đàn, những năm gần đây chính quyền và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nuôi dưỡng hươu cũng như khai thác, chế biến nhung, qua đó nâng cao năng suất sản lượng và hiệu quả kinh tế.
Đến thăm trang trại hươu giống mang tên “hạt nhân 38”, quy mô được đánh giá là lớn nhất Hà Tĩnh, được xây dựng tại thôn 8, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn. Chủ nhân là anh Nguyễn Hồng Tiệp, sinh năm 1996. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tiệp trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau và anh nhận thấy, nghề nuôi hươu lấy nhung ngay tại quê hương Hương Sơn, Hà Tĩnh có nhiều triển vọng. Anh bàn với gia đình vay vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và mua 200 con hươu giống về chăn nuôi. Đến nay, trang trại của anh Tiệp đã có 100 con hươu cho khai thác lộc nhung cùng nhiều con giống để cung ứng cho người nuôi có nhu cầu. Mỗi năm, sản phẩm từ hươu giúp anh thu nhập trên dưới 3 tỷ đồng. Điểm khác biệt của trang trại này so với các cơ sở chăn nuôi khác trên địa bàn chính là việc thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi trên đệm lót sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh cho hươu.
Trang trại chăn nuôi nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp ở x ã Sơn Giang , huyện Hương Sơn
Anh Nguyễn Hồng Tiệp- Chủ Trại hươu giống hạt nhân 38, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn chia sẽ: Bỏ ra số tiền hơn 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại và mua con giống, anh xác định việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi là yếu tố hàng đầu. Vì thế, anh đã sử dụng đệm lót sinh học làm nền chuồng để chăn nuôi hươu giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường sạch, không gây ô nhiễm, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Hiện anh đang tập trung nhân giống, phấn đấu mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 50 - 60 con hươu giống. Riêng hươu đực, năm 2022 đã thu hoạch hơn 40kg nhung, dự kiến từ năm 2023 trở đi sẽ duy trì ổn định mỗi năm thu từ 50kg nhung trở lên.
Ngoài việc áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi truyền thống, cơ sở còn tận dụng phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ lạc, mùn cưa, rơm khô, lá chuối…để làm đệm lót sinh học cho chuồng trại, qua đó không chỉ hạn chế được mùi hôi, tiết kiệm được chi phí dọn chuồng mà còn cung cấp nguồn phân bón cho việc trồng cỏ cùng hàng ngàn gốc cam tại vườn đồi.
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Đến nay, tổng đàn hươu của huyện Hương Sơn đã đạt hơn 45.000 con, trong đó các địa phương chăn nuôi hươu nhiều nhất là xã Sơn Giang, xã Sơn Quang, xã Sơn Lâm… Trung bình mỗi năm, doanh thu từ nghề nuôi hươu sao khoảng hơn 400 tỷ đồng. Nuôi hươu sao đã trở thành một trong những nghề quan trọng giúp người dân miền núi Hương Sơn có nguồn thu nhập khá, vươn lên làm giàu bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay, UBND huyện đang phối hợp các sở ngành cấp tỉnh và Tập đoàn Quế Lâm sử dụng chế phẩm vi sinh hỗ trợ người dân xử lý chuồng trại. Kết quả bước đầu cho thấy: mùi hôi thối, ruồi và muỗi cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, khi phủ đệm lót sinh học, phân hươu phân hủy nhanh, sàn chuồng luôn khô ráo, thuận tiện cho công tác vệ sinh, hạn chế các loài ký sinh trùng gây bệnh. Từ đó, trang trại sẽ cho ra những con hươu giống tốt, các sản phẩm nhung chất lượng.
Hội Bảo vệ động vật Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hương Sơn tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền quy trình kỹ thuật cắt lộc nhung bằng phương pháp gây mê không gây đau
Những năm gần đây, đàn hươu sao ở Hương Sơn phát triển nhanh, sản phẩm thu hoạch đạt chất lượng cao và được chế biến sâu. Đầu ra của nhung hươu ổn định nên mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, người dân vẫn chủ yếu chăn nuôi, thu hoạch và chế biến theo phương pháp truyền thống nên dễ gặp rủi ro. Để giúp bà con tiếp cận với kỹ thuật mới trong khai thác nhung hươu, vừa qua Hội Bảo vệ động vật Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hương Sơn đã tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền quy trình kỹ thuật cắt lộc nhung bằng phương pháp gây mê không gây đau, đảm bảo phúc lợi động vật và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm hươu Hương Sơn.
Trong khai thác nhung việc cắt nhung hươu truyền thống khiến con vật bị đau đớn, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó phương pháp gây mê được đánh giá là có nhiều ưu điểm, hạn chế tác động làm tổn thương con vật và an toàn cho con người, sản phẩm nhung hươu sau khi cắt đảm bảo được chất lượng. bên cạnh đó, khi áp dụng biện pháp này sẽ giảm được công sức lao động, chi phí thuê thợ cắt nhung. Với những nét ưu trội, phương pháp gây mê đang được người nuôi hươu đón nhận tích cực và tiếp tục được tuyên truyền phổ biến để áp dụng rộng rãi trong những mùa khai thác những năm tiếp theo.
Tiềm năng phát triển nghề nuôi hươu ở Hương Sơn đang còn rất lớn. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, áp dụng triển khai trong thời gian qua sẽ giúp người dân yên tâm hơn để tiếp tục phát triển chăn nuôi hươu theo hướng an toàn, bền vững. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm từ hươu sao.
Nguyễn Hoàn