Navigation Menu

Asset Publisher

angle-left Ngày 30/6/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra có các nội dung chính theo quy định Điều 1 như sau:

Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Thanh tra, bao gồm:

a) Điều 38 về Thanh tra viên;

b) Điều 56 về thanh tra lại;

c) Điều 60 về Đoàn thanh tra;

d) Điều 79 về công khai kết luận thanh tra;

đ) Điều 87 về trưng cầu giám định;

e) Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra;

g) Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra;

h) Khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra;

i) Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; k) Khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.

2. Các biện pháp thi hành Luật Thanh tra, bao gồm: thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra; chế độ, chính sách, phụ cấp và chế độ đặc thù đối với Thanh tra viên; tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ.

Việc xét nâng ngạch thanh tra viên được quy định tại Điều 7 của Nghị định:

Xét nâng ngạch Thanh tra viên

1. Thanh tra viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điều 39, 40 và 41 của Luật Thanh tra thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau đây:

a) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

b) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

2. Yêu cầu về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức như sau:

a) Đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên lên ngạch Thanh tra viên chính: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

b) Đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên chính lên ngạch Thanh tra viên cao cấp: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

3. Căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan sử dụng Thanh tra viên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan sử dụng Thanh tra viên báo cáo cơ quan quản lý xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xét nâng ngạch ngay sau khi Thanh tra viên đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, thanh tra viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau đây:

- Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

- Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra được quy định tại điều 46 của Nghị định.

Theo đó, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm hoặc đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình hoặc chủ động nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép.

Việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra;

b) Đối với tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật có liên quan;

c) Đối với tài sản là động sản và giấy tờ có giá trị thì căn cứ vào tình hình thực tế, người ra quyết định thanh tra giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn nghiệp vụ để quản lý;

d) Đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản thì giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực bảo quản hàng hóa có yêu cầu đặc biệt để quản lý.

Quyết định thu hồi được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý tiền, tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Kinh phí quản lý tài sản quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này do cơ quan thanh tra chi trả từ ngân sách nhà nước.

Đối tượng thanh tra có tài sản bị thu hồi được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với tài sản bị xử lý và có quyền khiếu nại quyết định thu hồi tài sản theo quy định của pháp luật.

Nghị định được xây dựng với 10 Chương và 70 Điều luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023./.

Minh Nghĩa – Thanh tra Sở