Navigation Menu

Asset Publisher

angle-left Khoa học Khuyến nông Hà Tĩnh: Sản xuất nông nghiệp nói không với hóa chất là xu thế tất yếu

Cùng với sự phát triển khoa học, bắt nhịp trong thay đổi phương thức sản xuất, những năm qua sản xuất nông nghiệp đã có nhiều đột phá mạnh mẽ đến sự phát triển góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như sử dụng quá nhiều thuốc BVTV hóa học, phân bón hóa học làm cho đất đai bạc màu, chua hóa, giảm độ phì nhiêu một cách rõ rệt   gây hệ lụy tới sức khỏe con người, hệ sinh thái, hủy hoại môi trường sống.

 

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ gây hại đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, ruộng đồng ngày một cằn cỗi

 

Trong sản xuất nông nghiệp việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật  hóa  học làm cho cây trồng sinh trưởng và cung cấp dinh dương trong đất quá phụ thuộc vào nhau. Sau một thời gian sử dụng quá dài, đã có những đối tượng cây trồng người nông dân cần phải tăng liều lượng để đạt được năng suất cao. Chính vì thế các loại sâu, bệnh ngày càng phát triển kháng thuốc, việc kiểm soát chúng ngày càng khó khăn hơn, đồng thời đòi hỏi sử dụng lượng thuốc trừ sâu, bệnh phải tăng liều lượng và số lần phun nhiều hơn trong một chu kỳ sinh trưởng cây trồng hoặc phải chuyển sang những loại hóa chất có tác dụng phổ rộng hơn và độc hại hơn.

Quy trình sản xuất cũ đã bộc lộ nhiều hạn chế như làm cho đất đai bạc màu, chua hóa, giảm độ phì nhiêu một cách rõ rệt. Môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng bị suy giảm nghiêm trọng cây trồng phát triển không bình thường, dịch bệnh phát sinh theo chiều hướng gia tăng và thích ứng về mức độ gây hại và vượt ra ngoài quy luật thường kỳ. Sản phẩm sản xuất ra thiếu độ an toàn, chất lượng không đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu làm giảm độ phì nhiêu của đất, gây chai cứng đất và làm đất mất khả năng tái tạo. Các loại hóa chất được sử dụng từ sản xuất trong nông nghiệp thẩm thấu vào các nguồn nước ngầm hoặc chảy ra các sông, suối, ao, hồ, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và gây hại cho sinh vật thủy sinh bị tiêu diệt dần. Môi trường không khí không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng mà còn bay hơi vào trong không khí, gây ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân đặc biệt là những hộ dân sống quanh khu vực sản xuất trực tiếp.

              

Cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ nói không với thuốc BVTV, phân bón vô cơ

 

 

Sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, nông nghiệp xanh

 

Trước thực tế đó, các cấp các ngành đã có những giải pháp vào cuộc một cách đồng bộ quyết liệt, đặc biệt là chủ thể sản xuất chính là người nông dân chúng ta phải có những cách làm thay đổi trong cách thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất tuần hoàn, sản xuất hữu cơ, sản xuất sinh thái, xem như là một nhiệm vụ và là tính tất yếu trong sản xuất nông nghiệp thì mới tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao giá trị, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm trong công cuộc đổi mới phương thức sản xuất nói không với hóa chất, cần có những giải pháp thiết thực tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về lợi ích của sản xuất nông nghiệp không dùng hoá chất, tiến tới những sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho các đối tượng cây trồng, phát hành tài liệu, tờ rơi, áp phích... Tổ chức các cuộc diễn đàn, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái…; thành lập các câu lạc bộ sản xuất không dùng hoá chất để người dân chia sẽ kinh nghiệm… Khi người nông dân hiểu về tác hại của việc lạm dụng phân vô cơ và hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, lợi ích của canh tác không hóa chất và họ tham gia thực hiện thì chính họ lại trở thành các tuyên truyền viên và là người chia sẽ kiến thức, kinh nghiệm cho cộng đồng người dân cùng tham gia. Bên cạnh đó phải luôn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên có trình độ chuyên môn sâu, trực tiếp hướng dẫn cho người dân về các quy trình sản xuất theo đối tượng cây trồng, nắm vững về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái để có những giải pháp trong khâu chỉ đạo, đồng thời cũng là người tuyên truyền viên xâu nối mọi hoạt động liên kết giúp người dân tiếp cận với các doanh nghiệp an tâm sản xuất.

       

          Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Cẩm Xuyên

Cần ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời với nông dân

 

Để người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong đầu tư sản xuất của Nhà nước, xây dựng thương hiệu, đăng ký chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bằng mọi hình thức tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đến với người tiêu dùng; khuyến khích xâu nối để các doanh nghiệp liên kết, siêu thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với giá trị của sản phẩm, giá thành cao hơn. Khuyến khích người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ khuyến nông cộng đồng xây dựng Khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm về các nguyên tắc trong sản xuất nông nghiệp tạo tính chặt chẽ với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm.


          Nòng cốt nông dân là lực lượng chủ thể trực tiếp sản xuất cung cấp một lượng lương thực, thực phẩm cho toàn thể xã hội, đồng thời kết nối chuỗi hàng hóa giá trị xuất khẩu, thu ngoại tệ về cho đất nước. Với vai trò trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường cộng đồng. Để nhằm nâng cao ý thức của người dân thực hiện làm tốt trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, nông dân phải thực sự nói không với hoá chất, là điều hết sức cần thiết, cấp bách và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và sự vào cuộc của các cơ quan, chuyên môn, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể và người dân một cách đồng bộ.

 

Nguyễn Thị Lý