Navigaatiovalikko

Sisältöjulkaisija

angle-left Kết quả kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024

Từ ngày 22/4 - 14/5/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 đã tiến hành kiểm tra tại 12/13 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh gồm: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân, Đức Thọ; kết quả kiểm tra cụ thể như sau:

I. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ KIỂM TRA

1. Nội dung

- Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương. Đoàn kiểm tra hoạt động quản lý nhà nước các cấp thông qua báo cáo của cấp huyện.

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh (cơ sở thực phẩm) theo Kế hoạch số 871/KH-BCĐ ngày 05/4/2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh. Lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá sản phẩm (khi thấy có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm). Xử lý nghiêm, kịp thời hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm (nếu có và vượt quá thẩm quyền) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

- Trong quá trình kiểm tra kết hợp công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

2. Kết quả kiểm tra

2.1. Đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương:

- Toàn tỉnh có 230 Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các cấp. Theo báo cáo số liệu thống kê, Ban Chỉ đạo có Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng Ban theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành quy định quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh: hiện có 13/13 huyệntỷ lệ 100%; 197/216 xã, tỷ lệ 91,2% (các xã chưa gửi gồm 12 xã huyện Lộc Hà, 07/25 xã huyện Hương Sơn).

- Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, 100% các huyện, xã đã tổ chức triển khai các nội dung chỉ đạo của trung ương, tỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. 100% huyện, xã có thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm trên địa bàn. 11/13 huyện có phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (02 huyện chưa phát hiện vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình kiểm tra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 là: Kỳ Anh, Nghi Xuân).

2.2. Kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Tổng số cơ sở được kiểm tra 60 cơ sở, trong đó:

- Phân theo tổ chức, cá nhân: 17 tổ chức và 43 hộ kinh doanh.

- Phân theo loại hình kiểm tra: 13 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 06 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

2.3. Tình hình vi phạm, xử lý vi phạm hành chính: Không

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã kết hợp phổ biến, hướng dẫn một số quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm của các cơ sở được kiểm tra, đặc biệt là quán triệt một số văn bản để người kinh doanh và người tiêu dùng được biết như: Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế…

II. KẾT LUẬN

1. Ưu điểm

- Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 được sự quan tâm, chỉ đạo, giám sát từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các cơ sở được kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Các mặt hàng thực phẩm được kiểm tra chủ yếu là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ, có bao bì, nhãn hàng hóa đảm bảo theo quy định. Không phát hiện hàng quá hạn sử dụng tại cơ sở.

- Không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.

2. Khó khăn, t ồn tại, hạn chế

- Các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh hầu hết nhỏ lẻ, hộ gia đình. Việc đầu tư, cải tạo các điều kiện về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị bảo đảm an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

- Tại thời điểm đoàn đánh giá, có 8.8% đơn vị cấp xã chưa gửi Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo theo đúng quy định (Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng Ban Chỉ đạo).

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1 . Đối với các sở, ngành có liên quan

Tiếp tục thực hiện việc quản lý ATTP theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về ban hành Quy định quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Thực hiện việc rà soát, kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tại cấp huyện, xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; Hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam thuộc dự án “Củng cố và thiết lập hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam” theo Quyết định phê duyệt số 526/QĐ-BYT ngày 06/3/2024 của Bộ Y tế.

- Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội; sử dụng nhiều hình thức truyền thông nhằm kịp thời cung cấp thông tin, truyền tải kỹ năng, kiến thức đến cơ sở thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm.

- Tổ chức kiểm tra và hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; xử lý các thông tin người dân phản ánh về mất an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

- Chủ động thực hiện tốt việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, kiểm soát phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

3. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh

- Phối hợp với UBND cấp huyện, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực
hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP để các tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân biết, thực hiện.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn theo quy định pháp luật; kiến nghị xử lý kịp thời khi phát hiện sản phẩm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

4. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân trên địa bàn tỉnh được biết, thực hiện. 

5. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm

- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động
sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chủ động nâng cao
kiến thức, hiểu biết và thực hành đúng các quy định về bảo đảm ATTP.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN