Sisältöjulkaisija
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Văn bản gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã để nghị Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm
Hiện nay trên cả nước các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là các bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Tai xanh và Lở mồm long móng trên đàn lợn, hiện nay cả nước có 365 xã thuộc 111 huyện của 30 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày; dịch bệnh đang tái bùng phát và có chiều hướng lây lan nhanh làm chết nhiều lợn tại các địa phương.
Tại tỉnh ta từ đầu tháng 10/2020 đến nay dịch đã phát sinh 05 ổ dịch tại các xã Quang Lộc, Xuân Lộc, Thạch Trị, Sơn Tây, Sơn Hồng làm cho 110 con lợn mắc bệnh, chết, phải tiêu hủy, ngoài ra còn một số địa phương có lợn ốm, chết cơ quan chuyên môn đang tiếp tục giám sát và lấy mẫu xác định dịch bệnh.
Nguy cơ bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao vì các nguyên nhân: (1) Vi rút DTLCP và các loại vi rút Tai xanh, LMLM rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng lưu hành, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền dịch bệnh rất phức tạp; (2) Hiện nay chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh; (3) Các nông hộ gia tăng mạnh việc tái đàn, tăng đàn trong thời gian vừa qua, trong khi việc áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học như lựa chọn con giống đảm bảo, cách ly, chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng… còn hạn chế; (4) Việc kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ thiếu chặt chẽ, nhất là đối với công tác nhập giống từ nơi khác vào địa bàn để chăn nuôi; (5) Công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh tại cơ sở còn thiếu chặt chẽ, việc khai báo khi có lợn ốm chết không rõ nguyên nhân của người chăn nuôi thiếu kịp thời; (6) Thời tiết chuyển mùa, mưa lũ, ngập lụt năng tại nhiều địa phương làm cho dịch bệnh phát sinh, lây lan, khó áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Để các địa phương chủ động triển khai, thực hiện các giải pháp theo nội dung Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 08/10/2020 của UBND tỉnh và các Văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tổ chức, triển khai các nội dung chuyên môn cụ thể như sau:
- Đối với các địa phương đang có bệnh DTLCP: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp huyện, xã để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định. Phân công thành viên BCĐ thường xuyên theo dõi và xuống trực tiếp tại các địa phương để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý triệt để ổ dịch; đặc biệt lưu ý rà soát nắm chắc tổng đàn, số hộ, trang trại chăn nuôi lợn; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn, người tham gia xử lý ổ dịch; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trong vùng dịch và khu vực liên quan.
- Tổ chức tuyên truyền bằng tờ rơi, áp phích và hệ thông truyền thanh về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là DTLCP để người chăn nuôi chủ động thực hiện, khai báo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, không bán chạy lợn bệnh, tiêm phòng đảm bảo các loại vắc xin phòng bệnh; đồng thời tổ chức ký cam kết với người hành nghề buôn bán, vận chuyển, giết mổ và người hành nghề thú y chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh.
- Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt: cách ly, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất, vôi bột, cụ thể:
+ Các trang trại quy mô nhỏ, vừa và chăn nuôi nông hộ: thực hiện các nội dung theo Văn bản số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP.
+ Cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tổ chức rà soát, thống kê, nắm chắc biến động tổng đàn lợn (số lợn, loại lợn; số hộ chăn nuôi, số trang trại, …) để theo dõi, quản lý và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp. Việc xuất/nhập lợn nuôi làm giống, nuôi thương phẩm thực hiện theo quy định tại Văn bản số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hướng dẫn kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; thực hiện theo quy định tại Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025”; văn bản số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019 và các Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT, số 25/2016/TT-BNNPTNT, số 30/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại vùng chăn nuôi tập trung, ổ dịch cũ và các khu vực có nguy cơ cao (cơ sở giết mổ, chợ buôn bán, nơi tập kết, dừng đỗ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật,...); tại các địa phương có dịch cần thường xuyên tổ chức sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và vệ sinh để tiêu diệt mầm bệnh; UBND các xã phối hợp với chủ các Trang trại lập các Chốt để kiểm soát và tiêu độc, khử trùng phương tiện vào, ra các vùng chăn nuôi tập trung tại địa phương (Tại ổ dịch và vùng bị dịch uy hiếp thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo; Tại vùng đệm thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tần suất 01 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch).
- Tiếp tục rà soát tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm định kỳ đợt 2/2020 đảm bảo tỷ lệ, chất lượng theo chỉ tiêu, kế hoạch.
- Giao trách nhiệm cho Trưởng các Phòng, ngành chức năng, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo, triển khai việc thực hiện các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; tham mưu chấn chỉnh, bổ cứu các giải pháp và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) theo đúng quy định.
- Xử lý nghiêm theo Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm trong công tác phòng chống dịch nhất là các trường hợp: không kê khai hoạt động chăn nuôi, giấu dịch, bán chạy lợn bệnh, lợn chết, vứt xác lợn chết ra môi trường, chủ quan lơ là trong công tác phòng chống để dịch bệnh phát sinh, lây lan.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương khi thực hiện Nghị Quyết 214/2020/NQ-HĐND phải rà soát kỹ đối tượng, điều kiện, trình tự thực hiện đảm bảo đúng quy định; chỉ thực hiện tại các cơ sở, hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạm dừng thực hiện đối với các địa phương có dịch và vùng bị dịch uy hiếp.
Quốc Quân