Sisältöjulkaisija
Giống có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất . Nhận thức được điều này, trong năm 2021, nông dân các địa phương đã lựa chọn được nhiều giống cây con mới, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Sản xuất lúa năm 2021, Hà Tĩnh đã giành được thắng lợi trọn vẹn từ năng suất đạt kỷ lục đến chất lượng lúa tăng cao, giá cả ổn định. Quan trọng hơn, thành quả này đã góp phần làm thay đổi cơ cấu sản xuất lẫn tư duy hàng hóa của bà con nông dân. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT thì yếu tố mang tính quyết định đến hai vụ lúa, chính là tỷ lệ cơ cấu bộ giống chất lượng đạt trên 40% tổng diện tích gieo cấy. Bên cạnh những giống lúa đại trà, đã ổn định qua nhiều năm, các giống mới đưa vào cơ cấu đã khẳng định được sự vượt trội về năng suất, chất lượng. Điều này không chỉ giúp năng suất bình quân toàn tỉnh đạt cao nhất từ trước tới nay mà việc lựa chọn bộ giống cũng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, cũng như giúp cho giá trị hàng hóa của lúa gạo Hà Tĩnh thay đổi.
Việc cơ cấu bộ giống chất lượng đã giúp năng suất lúa tại Hà Tĩnh đạt cao nhất từ trước tới nay
Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Vụ hè thu vừa qua, Cẩm Xuyên dẫn đầu về năng suất lúa với mức đạt 56,2 tạ/ha. Ngoài yếu tố thời tiết, thì 100% diện tích được cơ cấu giống lúa ngắn ngày, đã tạo nên sự khác biệt. Cùng với đó, kết quả chuyển đổi từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn và sản xuất đồng nhất một loại giống trên cánh đồng lớn đã tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, và lợi nhuận”.
Cùng với các giống lúa mới đưa vào sản xuất, trong năm 2021, bên cạnh những giống cây ăn quả truyền thống như: bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù thì cây ăn quả giống mới đã được bà con nông dân đưa vào trồng thâm canh tại nhiều địa phương như quýt khốp, cam giòn để nhân giống cung cấp cho bà con nông dân trong vụ trồng mới. Cùng với đó đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khi có cây ăn quả đầu dòng được ngành nông nghiệp bình tuyển, công nhận, chuyển giao vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Toàn - Trại trưởng Trại Thực nghiệm cây ăn quả Truông Bát, từ các cây đầu dòng, năm 2021 trại thực nghiệm giống cây ăn quả Truông Bát đã sản xuất được 2 vạn cây giống sạch bệnh các loại, cung ứng cho nông dân các vùng chuyên canh cây ăn quả để trồng thay thế các giống đã thoái hóa năng suất thấp.
Trại Thực nghiệm cây ăn quả Truông Bát thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn là địa chỉ tin cậy cung cấp nhiều loại giống cây ăn quả chất lượng cho bà con
Bên cạnh nâng cao chất lượng giống lúa và cây ăn quả, năm 2021, các địa phương cũng đã thực hiện tốt các chương trình trồng rừng kinh tế để giảm nghèo bền vững, chú trọng đưa giống tốt vào trồng và chủ yếu sử dụng cây keo lai. Hiện nay, nhiều địa phương ở các huyện Hương Sơn,Can Lộc đã mạnh dạn đưa giống keo nuôi cấy mô vào trồng rừng sản xuất, nhằm tăng năng suất cây trồng. Giống keo lai nuôi cấy mô được ví là đã tạo ra một cuộc cách mạng trên lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu, bởi năng suất gấp từ 1,5 đến 2 lần so với keo lai thông thường. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 90 ha rừng bằng giống keo lai nuôi cấy mô. Những kết quả bước đầu trong trồng rừng giống mới đã mở ra nhiều triển vọng, được người trồng rừng và doanh nghiệp đón nhận. Năm vừa qua, Hà Tĩnh đã hoàn thành cơ bản mục tiêu trồng 6.000 ha rừng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng chọn lọc, du nhập và lai tạo các giống bò ngoại; đồng thời, nhập nguồn tinh mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi bò của tỉnh. Việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã giúp nhiều hộ chăn nuôi bò nâng cao được tầm vóc con nuôi, cải thiện năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Để lai tạo giống bò chất lượng cao, nhất là giống bò 3B, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 100% tinh bò và dụng cụ phối tinh cho các hộ có bò cái để phối giống trong toàn tỉnh. Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cấp phát được 10.925 liều tinh bò nhóm Zêbu, 8.000 liều tinh bò 3B, 8.685 lít Nitơ, 18.925 ống gen và 18.925 găng tay để thực hiện quá trình lai tạo. Nhiều huyện có số lượng bò 3B đạt cao như: Can Lộc, Đức Thọ và Thạch Hà.
Đối với nuôi trồng thủy sản, nhiều địa phương trong tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích, đa dạng hóa đối tượng nuôi, nên năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... các địa phương có thế mạnh như Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... đã thành công khi triển khai hình thức nuôi xen ghép nhiều đối tượng nuôi mới như: Tôm càng xanh, cá bống bớp, chạch sụn, ốc bươu đen, cá rô đầu vuông. Qua đó đã hạn chế rủi ro trong nuôi trồng, ổn định thu nhập cho người dân. Cùng với nuôi thả các loại thủy sản truyền thống, hiện nay, nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao được nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh để tăng năng suất trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2021 là một năm ngành nông nghiệp tỉnh nhà gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực triển khai đồng bộ các chương trình để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân. Nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Công nghệ về giống cây, con và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng địa tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
“Thời gian tới Ngành nông nghiệp sẽ tập trung tham mưu cơ chế, chính sách, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, gắn với mục tiêu xây dựng tỉnh NTM. Trong đó, tiên quyết vẫn là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thay đổi mô hình tăng trưởng từ công tác giống, phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất, để tối ưu hóa giá trị gia tăng và phát triển bền vững” – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm.
Nguyễn Hoàn