Sisältöjulkaisija
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch số 511/KH-SNN ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh về việc Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Ngày 08/12/2023, Giám đốc Sở ký ban hành Kế hoạch Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đến năm 2030 của Sở Nông nghiệp và PTNT với các nội dung chủ yếu:
1. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung chiến lược và các chính sách, pháp luật về PCTN
Chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng nội dung, lựa chọn cách thức phù hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 của Chính phủ đến công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành. Trong đó tập trung các nội dung: Tổ chức tập huấn, quán triệt đầy đủ Nghị quyết số 168/NQ-CP và nội dung Kế hoạch số 511/KH-SNN ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên về PCTN, nhất là các văn bản mới ban hành.
2. Thực hiện các giải pháp của chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030
2.1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế xã hội và PCTN, tiêu cực
- Rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nức của ngành, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
- Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính; Khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục kịp thời, hiệu quả những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện;
- Rà soát, cụ thể hóa quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, tiêu cực.
2.2. Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quảthực thi pháp luật
- Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;
- Thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ chính trị và Nghị định Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý;
- Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật gắn với việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực;
- Tăng cường kiểm soát việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập hợp lý, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với người vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức lối sống của công chức, viên chức. Kiên quyết xử lý nghiêm những công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ công vụ;
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động quản trị nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội theo hướng công khai, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý; tăng cường minh bạch tài chính và thanh toán không dùng tiền mặt;
- Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật; nhất là công khai, minh bạch trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực;
3 . Lộ trình thực hiện
3.1. Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026)
- Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực.
- Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2024 – 2026 căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh.
- Tổ chức sơ kết việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh vào năm 2026.
3.2. Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2026 đến năm 2030)
- Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác PCTN và tình hình thực tiễn, xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược.
- Tổng kết việc thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh vào năm 2031 theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Về tổ chức thực hiện, Giám đốc sở giao Thanh tra Sở theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch, đồng thời là cơ quan thường trực tổng hợp, báo cáo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lên cấp trên theo quy định./.
Trần Huy Hùng – Thanh tra viên Thanh tra Sở