Navigaatiovalikko

Sisältöjulkaisija

angle-left Hà Tĩnh: Tổ chức tọa đàm tìm giải pháp để tổ Khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả

Có “Tổ Khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả” là chỉ tiêu số 13.5 thuộc tiêu chí 13 trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 . Vì vậy, thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) là bắt buộc. Đến nay, Hà Tĩnh đã thành lập được 160 tổ KNCĐ với 2.073 thành viên tham gia. Đây là con số đáng mừng, song để tổ hoạt động hiệu quả thì vẫn còn là bài toán cần nhiều lời giải.   

         

Để tổ KNCĐ thành lập và hoạt động có hiệu quả, từ năm 2022 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua đầu mối là Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thành lập, cách thức hoạt động và bố trí nguồn kinh phí cho tổ KNCĐ.

Đến nay, sau hơn một năm triển khai bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã thành lập được 160 tổ KNCĐ với 2.073 thành viên tham gia. Có 160 xã/181 xã thuộc 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập tổ KNCĐ trong đó có nhiều địa phương đã có 100% số xã có tổ KNCĐ. Đây là những con số đáng mừng, cho thấy tất cả các địa phương đã quan tâm, tập trung cao trong công tác thành lập tổ. Việc thành lập tổ KNCĐ bước đầu diễn ra khá thuận lợi, nhưng hoạt động như thế nào để có hiệu quả thì cần phải bàn nhiều vấn đề như: con người, cơ cấu bộ máy, nội dung hoạt động, kinh phí, trang thiết bị, địa điểm làm việc, ...

          Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông đã ban hành và tham mưu một số văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thành lập tổ KNCĐ. Đồng thời đơn vị cũng đã phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn thành lập cho một số xã. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức các cuộc tọa đàm “Hướng dẫn thành lập và nâng cao năng lực tổ Khuyến nông cộng đồng” tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh với thành phần tham gia là lãnh đạo huyện, xã, cán bộ chuyên môn phụ trách tổ KNCĐ và tất cả thành viên của tổ KNCĐ. Cuộc tọa đàm diễn ra với mục đích hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở, các thành viên tổ KNCĐ và lắng nghe trực tiếp những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng, nhu cầu thực tế trong quá trình thành lập và hoạt động của tổ và các địa phương. Từ đó, có những hướng dẫn, đề xuất, kiến nghị với Sở, Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị cấp trung ương các giải pháp thiết thực đồng hành, hỗ trợ các tổ KNCĐ thành lập và hoạt động có hiệu quả.

Tọa đàm “Hướng dẫn thành lập và nâng cao năng lực

tổ Khuyến nông cộng đồng” tại huyện Hương Sơn

Tại các cuộc tọa đàm, đa phần các phát biểu đều nêu lên những khó khăn, vướng mắc chung hiện nay của các địa phương và các tổ đó là: Các tổ KNCĐ được thành lập đã bước đầu đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả chưa cao; một số xã còn lúng túng trong việc bố trí con người, cơ cấu bộ máy và xác định nội dung hoạt động, thiếu kinh phí, trang thiết bị và địa điểm làm việc. Chủ yếu, con người thì kiêm nhiệm; nội dung, kinh phí hoạt động thì lồng ghép với các nhiệm vụ khác,…  Tất cả những điều đó đã và đang là rào cản làm hạn chế hiệu quả hoạt động của tổ KNCĐ.

Ngoài các nội dung liên quan đến các vấn đề trên, thì có một số đại biểu cho ý kiến về các nội dung như:

Trong cuộc tọa đàm tại huyện Cẩm Xuyên, bà Lê Thị Ngọc - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, cho hay: “Với huyện Cẩm Xuyên, một số xã ven biển từ trước đã có các tổ đội cộng đồng trong khai thác nuôi trồng thủy sản nhưng nội dung hoạt động chỉ thiên về cung cấp dịch vụ nghề cá và hoạt động khá hiệu quả. Việc thành lập các tổ KNCĐ là việc nên làm và rất thiết thực. Tuy nhiên, tổ KNCĐ không cần thiết phải bao quát tất cả các lĩnh vực mà nó chỉ cần thực hiện một lĩnh vực mạnh nhất cũng sẽ mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, một xã chúng ta có thể thành lập nhiều tổ. Tổ KNCĐ có thể được thành lập theo kiểu liên xã, liên huyện miễn sao tạo được nguồn thu và duy trì được hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho các thành viên trong tổ cũng như bà con nông dân”.

Huyện Hương Sơn có nhiều đặc sản nông nghiệp như cam bù, nhung hươu, mật ong,… Tại cuộc tọa đàm, ông  Phan Xuân Yên - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn, đã phát biểu: “Việc thành lập các tổ KNCĐ như thế này cần thiết đối với người dân huyện chúng tôi. Thành viên của tổ vừa có nhà nước (cán bộ), doanh nghiệp và các hộ dân cùng tham gia, là điều kiện thuận lợi để bàn bạc, thực hiện chuyển giao kỹ thuật, dịch vụ, liên kết, tìm thị trường tiêu thụ nông sản sẽ rất tốt. Bên cạnh đó, tôi thay mặt cho tất cả các tổ KNCĐ trên địa bàn huyện đề xuất với cấp trên có các chương trình lồng ghép về vốn, kinh phí hỗ trợ hoạt động cho tổ, tổ chức các cuộc học tập kinh nghiệm ngoại tỉnh, tổ chức đào tạo nâng cao nhân lực và đầu tư vật lực hỗ trợ tổ KNCĐ hoạt động có hiệu quả, nhất là giai đoạn mới thành lập”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chia sẻ: “Với nhiệm vụ đầu mối được giao, thời gian qua Trung tâm luôn cập nhật, bám sát các văn bản quy định, hướng dẫn của cấp trên về tổ KNCĐ để tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện thành lập, hoạt động tổ KNCĐ. Năm 2022, Trung ương đã xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ ” thí điểm 13 tỉnh thành là 13 vùng nguyên liệu bền vững của nước ta. Hà Tĩnh, là tỉnh nằm ngoài đề án nên không có khuôn mẫu nào được đưa ra áp dụng, mọi hoạt động về việc thành lập tổ KNCĐ đang mang tính mở. Trên cơ sở kết quả đạt được của các địa phương trong toàn tỉnh, trên cả nước và các kinh nghiệm, giải pháp thu thập được thông qua các cuộc tọa đàm. Trung tâm sẽ tham mưu cho cấp trên xây dựng hành lang pháp lý và các quy định sát thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho các tổ KNCĐ hoạt động có hiệu quả. Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, các ngành quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thành lập và hoạt động cho tổ KNCĐ”.

Với sự quan tâm, tập trung chỉ đạo từ cấp tỉnh xuống cơ sở của tỉnh Hà Tĩnh, tin tưởng rằng những khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập và hoạt động của tổ KNCĐ sẽ sớm được giải quyết, để tổ hiệu quả lâu dài, góp phần khẳng định vai trò của hệ thống khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trong tỉnh./.

 

Kim Thịnh - Hoàng Thanh (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh)