Menu phải
Web Counter
Agrégateur de contenus
Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng sinh sản nhanh, phá hoại trên tất cả các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu,... nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, kho tàng và lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Năm 2024, diện tích chuột gây hại trên địa bàn Hà Tĩnh 722ha (vụ Xuân 450ha, vụ Hè Thu 272ha), tỉ lệ gây hại trung bình 3-7%, nơi cao 10-15%, gây hại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Thời điểm này, mực nước trên đồng ruộng cao, nguồn thức ăn khan hiếm, chuột sẽ di cư lên sống tập trung và co cụm ở các bờ bụi, chân đê, khu dân cư để tìm thức ăn nên việc triển khai các biện pháp diệt chuột thời điểm này rất hiệu quả. Để chủ động trong công tác diệt chuột, giảm thiểu tác hại do chuột gây ra đối với sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai một số nội dung sau:
1. Công tác tuyên truyền
Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của chuột đối với sản xuất và đời sống; vận động người dân tích cực diệt chuột sau các đợt mưa lũ, đầu vụ sản xuất và diệt chuột thường xuyên để bảo vệ mùa màng; nghiêm cấm việc dùng điện, kích điện để diệt chuột.
2. Các biện pháp diệt chuột
2.1. Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, nhất là các khu vực gò cao, đất hoang hóa để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột; xác định thời vụ thích hợp, những vùng thường bị chuột hại nặng cần gieo trồng và thu hoạch đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn.
Đối với những diện tích đất không sản xuất trồng cây vụ Đông, cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch, cày lật đất phơi ải, thu gom và xử lý tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.
2.2. Biện pháp thủ công
Là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay mang lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến môi trường. Tổ chức diệt chuột đồng loạt, trên diện rộng, huy động mọi lực lượng: nông dân, các tổ chức đoàn thể…tham gia, có thể sử dụng các hình thức: Đào hang, đổ nước, hun khói, dùng đèn soi bắt chuột vào ban đêm,... sử dụng các loại bẫy thủ công như: Bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy dính,...
2.3. Biện pháp sinh học
Chú trọng công tác bảo vệ và phát triển các loài thiên địch của chuột bằng hình thức khuyến khích người dân nuôi mèo, tuyên truyền và phổ biến cho nhân dân không săn bắt, giết thịt các thiên địch của chuột có trong tự nhiên như rắn, các loài chim,...Sử dụng một số chế phẩm sinh học, thuốc có tác dụng gây bệnh và lây bệnh trong đàn chuột.
2.4. Biện pháp sử dụng thuốc trừ chuột
Sử dụng các hoạt chất thuộc nhóm chống đông máu, ít độc hại cho người và động vật, có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, như: Diphacinone, Brodifacoum, Bromadiolone,…Các loại thuốc thương phẩm có trên thị trường: Gimlet 0.2GB, Kaletox 200WP, Linh Miêu 0.5WP, Klerat 0,005% Wax Block Bait, Vifarat 0.005% AB, Broma 0,005AB, Kingcat 0.05 RB, Cat 0.25WP,...
Cách đặt bả: Đặt bả vào lúc chiều mát trước khi trời tối, tránh những ngày trời mưa. Bổ sung mồi bả vào chiều tối ngày hôm sau nếu chuột ăn hết mồi bả, nên đặt bả liên tục từ 3-5 đêm liền. Đặt bả trên đường đi lại của chuột, gần cửa hang, nơi chuột đang phá hại,…Khoảng cách đặt bả tùy theo mật độ chuột trên đồng ruộng.
Lưu ý: Trong thời gian phát động diệt chuột bằng biện pháp sử dụng thuốc phải thường xuyên thông báo cho người dân biết để đảm bảo an toàn cho người và sản xuất, nhất là việc quản lý chặt chẽ chăn thả gia súc, gia cầm; thu nhặt chuột chết, mồi thừa tiến hành chôn lấp đảm bảo vệ sinh môi trường.
4. Thời điểm tổ chức diệt chuột
- Thời điểm hiện nay mực nước trên đồng ruộng khá cao, nguồn thức ăn khan hiếm, chuột có xu hướng di chuyển đến các khu vực cao cưỡng, gò đồi, bờ thửa và sống co cụm, tập trung, tranh thủ thời tiết thuận lợi phát động phong trào ra quân diệt chuột đồng loạt trên diện rộng và có thể áp dụng nhiều biện pháp.
- Thời gian tới, căn cứ vào các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng trên đồng ruộng tiến hành diệt chuột đảm bảo hiệu quả như:
+ Giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (khi đồng ruộng không có lúa), tốt nhất ở thời kỳ đổ ải, làm đất đồng loạt.
+ Giai đoạn đầu các vụ sản xuất (thời gian tiến hành vào tháng 12, trước sản xuất vụ Xuân và cuối tháng 5, đầu tháng 6 sau khi thu hoạch lúa Xuân, triển khai sản xuất vụ Hè Thu). Thời điểm này trên đồng đang thiếu thức ăn, cần tổ chức ra quân diệt chuột tập trung, đồng loạt và có thể áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp diệt chuột.
+ Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng (thời gian tiến hành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 và trung tuần tháng 7, đầu tháng 8). Thời điểm chuột bước vào thời kỳ sinh sản và nuôi con, chuột có xu hướng đào hang làm nơi trú ngụ và sinh sản, ưu tiên việc áp dụng biện pháp đào hang diệt chuột và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc.
Trịnh Thị Giang - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật