Agrégateur de contenus
Nhận thấy vùng đất Hương Khê nơi mình sống, với tập quán chăn nuôi lợn truyền thống, thịt lợn ở đây ngọt, ít mỡ, sẽ là nguồn nguyên liệu sản xuất giò lụa rất tốt nên anh Nguyễn Đình Giáp (Tổ dân phố 16, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết tâm “khăn gói” ra ngoại tỉnh học nghề. Chính những kiến thức đó đã tạo nền tảng để anh Giáp phối hợp nguyên liệu, sáng tạo nên sản phẩm giò lụa mang đặc trưng riêng của núi rừng Hương Khê.
Để có được mẻ giò lụa chất lượng thơm ngon thì có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp như nguyên liệu thịt tươi ngon; tay nghề đảm bảo; máy móc hiện đại; sử dụng phụ gia tốt,... Những ngày tháng học ở ngoại tỉnh anh Giáp đã nắm kỹ từ cách chọn nguyên liệu, lấy thịt lợn, thịt bò, nước mắm, lá chuối làm sao cho tươi để làm giò lụa ngon. Thịt lợn tươi, ngon là thịt mông sấn từ những con lợn khỏe, không bệnh tật. Tiếp theo là thịt mỡ thỏi giúp giò không bị khô khi chế biến ra, các gia vị như nước mắm, mì chính, tiêu xay, … cũng cần phải chọn kỹ càng. Trong quá trình xay giò, phải nhìn vào sự đổi màu của thịt để cho gia vị mới tạo nên miếng giò ngon. Giò sống đạt chuẩn sẽ mịn, quện, có màu hồng tươi và hoàn toàn không có hiện tượng “chết giò”. Đặc biệt, ngay từ khi bắt đầu, giò lụa của anh Giáp tuân thủ quy trình “3 không”: không sử dụng chất bảo quản, không hàn the, không phụ gia tạo vị - tạo màu. Chính sự khéo léo qua từng bước từ chọn nguyên liệu đến công đoạn làm và ra thành sản phẩm giò lụa đã tạo ra những khoanh giò ngon có màu phớt hồng, nhiều lỗ. Giò vừa dai lại giòn, thơm ngon lại bùi, có mùi lá chuối tạo nên thương hiệu “giò lụa Tiến Giáp”.
Tâm sự về quá trình khởi nghiệp, anh Giáp cho biết: “Thời gian đầu khó khăn, cơ sở sản xuất giò thủ công, mỗi ngày chỉ sản xuất lẻ tẻ để cung ứng cho vài mối quen. Nhờ quy trình sản xuất sạch sẽ, chất lượng lại có hương vị thơm ngon nên được mọi người tin dùng và tìm đến mua. Tiếng lành đồn xa, thị trường ngày càng rộng mở cũng là lúc cơ sở quyết định đầu tư gần 300 triệu để hoàn thiện nhà xưởng, khu sản xuất, máy móc hiện đại như máy xay, máy hấp, kho cấp đông, máy đóng gói, … mới kịp sản xuất để cung ứng cho khách hàng.
Anh Giáp bên sản phẩm giò của mình
Sản phẩm giò lụa Tiến Giáp đã có mặt khắp các nhà hàng lớn nhỏ ở huyện Hương Khê, các cửa hàng thực phẩm sạch ở tất cả các huyện trong tỉnh và khẳng định được chỗ đứng tại địa bàn ngoài tỉnh như Hải Dương,Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Cần Thơ, Bình Dương… Đến thời điểm này, mỗi năm cơ sở của anh Giáp trung bình có thể xuất ra thị trường từ 10 tấn giò lụa. Với giá bán 160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cơ sở thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra cơ sở giò Tiến Giáp còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 người dân địa phương với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng, là số tiền không nhỏ đối với người dân lao động.
Không thoả mãn với những gì đạt được, thời gian tới, anh Giáp sẽ huy động thêm vốn mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm hệ thống máy móc nhằm “nâng tầm” chất lượng sản phẩm. Cùng đó, cơ sở sẽ nỗ lực không ngừng trong việc áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tin sẽ đưa thương hiệu “giò lụa Tiến Giáp” đến với rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hoàng Thanh