Menu de navigation

Agrégateur de contenus

angle-left Trồng dưa lưới giữa mùa nắng nóng, trái đẹp, bán đắt hàng

Mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài, nhưng nhiều nhà vườn tại xã Lưu Vĩnh Sơn, (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn trồng dưa lưới trong nhà màng thành công. Đây được xem là vụ dưa khó trồng nhưng giá bán cao và thị trường ổn định nên nhiều người dân vẫn mạnh dạn đầu tư.

Trong những năm gần đây, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao được nhiều người dân tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà áp dụng, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà mô hình này còn góp phần làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường. Mỗi năm sản xuất 2 vụ, trong đó trồng dưa trái vụ từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do khí hậu nắng nóng kéo dài nhưng lại được giá và thị trường tiêu thụ ổn định, chính vì vậy người trồng dưa tại xã Lưu Vĩnh Sơn đang đẩy mạnh đầu tư cho vụ dưa thời điểm này.

Khó trồng, nhiều sâu bệnh

Chỉ còn gần nữa tháng nữa, vườn dưa lưới được trồng trong nhà màng của gia đình anh Trần Văn Tuấn ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà sẽ cho thu hoạch. Thời điểm này, gia đình anh đang tập trung chăm sóc và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm tạo độ ngọt tối đa cho quả dưa. Anh Tuấn chia sẽ: “Cách đây 3 năm, trên diện tích đất đồi của gia đình, anh đã mạnh dạn bỏ ra số tiền hơn 200 triệu đồng để đầu tư làm 600m2 nhà màng, hệ thống tưới, giá đỡ và các thiết bị sản xuất chuyên dụng đồng bộ để trồng dưa lưới. Trồng dưa lưới trong nhà màng với ưu điểm che mưa, che nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên không chỉ giúp dưa lớn nhanh, mà còn tạo ra vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều. Tuy nhiên trồng dưa trái vụ từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch được anh đánh giá là rất khó trồng vì thời tiết khắc nghiệt và nhiều sâu bệnh xẩy ra, có những vụ anh thất bại và phải trồng đi trồng lại rất nhiều lần”.

Anh Tuấn cho biết: “Trồng dưa lưới trong mùa nắng nóng rất khó. Do đó để cây dưa lưới phát triển đồng đều thì từ khâu làm đất, chọn giống phải được chú trọng; anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên nguồn nước và phân bón đến được từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Vào thời điểm dưa lưới ra hoa, phải tiến hành thụ phấn, khi cây ra quả mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Đây là cách để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả. Ngoài ra để phòng tránh dịch bệnh, người trồng phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn. Trước thời điểm thu hoạch khoảng 1 tuần, sẽ cắt nước tưới đến dưa, để giúp quả dưa ngọt và giòn hơn”.

Dưa lưới từ lúc trồng đến khi quả đạt trọng lượng từ 2 - 2,2 kg là bắt đầu thu hoạch. Một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60 - 70 ngày. Nhờ kinh nghiệm học hỏi và thực tiễn sản xuất nêm vườn dưa gia đình anh năm nào cũng đạt chất lượng và được thương lái thu mua với giá cao. Với hơn 1.500 gốc với các loại dưa như: dưa lưới TL3, dưa vàng Kim ngọc đường, dưa vàng Kim đế vương, anh Tuấn ước thu hơn 2 tấn quả. Hiện tại vườn dưa của gia đình anh đã được nhiều thương lái đến hỏi mua với giá từ 35.000 - 40.000đ/kg và sẽ xuất bán phục vụ dịp Rằm tháng Bảy sắp tới.

Mùa hè năm nay, trong khi một số nhà màng phải bỏ trống vì thời tiết nắng nóng kéo dài thì anh Hồ Sỹ Bách, thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn vẫn thành công với hơn 1.000 gốc dưa vàng Kim đế vương được trồng trên giá thể. Anh sử dụng mụn xơ dừa, phân trùn quế, đất sạch, chế phẩm sinh học tạo thành giá thể hữu cơ để trồng dưa. Anh Bách cho biết: “Thời tiết Hà Tĩnh có những ngày nắng lập đỉnh, trong nhà lưới nhiệt độ luôn ở mức 45 - 500C. Những ngày như vậy, anh dành nhiều thời gian thích hợp để chăm sóc vườn, vào cuối ngày anh bơm nước phun sương để nhanh chóng làm mát cho cây trồng”.

“Nhiệt độ tăng cao và chuyển mưa thất thường làm phát sinh nhiều sâu bệnh, nhất là bọ trĩ chui qua lưới gây hại, quả dưa lưới hay bị bệnh thối rễ cây… Chúng tôi phải sử dụng kết hợp nhiều loại chế phẩm sinh học để diệt trừ và phục hồi cho cây”, anh Bách cho biết thêm.

Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, nên mặc dù khí hậu nắng nóng kéo dài nhưng vườn dưa của gia đình anh vẫn phát triển tốt, cho quả chất lượng. Với gần 2 tấn dưa được thu hoạch, giá bán ổn định từ 30 - 40 nghìn đồng/kg, thương lái đến mua tận nơi. Sau khi trừ chi phí anh ước thu lãi gần trăm triệu đồng.

Giá bán cao và thị trường tiêu thụ thuận lợi

Là hộ trồng dưa trong nhà màng lâu năm tại xã Lưu Vĩnh Sơn, ông Hồ Sỹ Lưu tại thôn Xuân Sơn hiện đang có 2 nhà màng với tổng diện tích 1.200m2 với hơn 2.500 gốc dưa lưới. Ông Lưu cho biết, mỗi năm gia đình ông sản xuất 2 vụ dưa. Nếu như trồng dưa chính vụ rất thuận lợi vì thời tiết và độ ẩm thích hợp thì trồng dưa trái vụ lại gặp nhiều khó khăn. Nắng nóng kéo dài cùng với các loại sâu bệnh như bọ trĩ, bọ phấn trắng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây dưa. Tuy nhiên nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm nên vườn dưa của gia đình ông lúc nào cũng thành công.

Ông Lưu cho biết, để phòng bệnh và bảo đảm sản phẩm an toàn gia đình ông chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học để bón cho vườn dưa và sử dụng một số biện pháp thủ công và sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh. Dưa trồng trong mùa hè có độ ngọt cao, dịu mát, chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao... nên được người tiêu dùng ưa chuộng, dưa thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó, với giá bán ổn định và cao hơn vụ chính từ 5-10 nghìn đồng/kg nên mặc dù khó trồng nhưng người dân vẫn đầu tư sản xuất.

Ông Bùi Công Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà cho biết: “Mô hình sản xuất dưa lưới nhà màng đã khẳng định hiệu quả kinh tế, nên những năm gần đây, người dân tại xã Lưu Vĩnh Sơn đang đẩy mạnh đầu tư. Tuy nhiên do nhiều điều kiện bất lợi về thời tiết, nên mỗi năm chỉ chủ yếu chỉ sản xuất một vụ dưa. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động bà con tập trung sản xuất dưa vụ trái, đồng thời tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con nhân dân trong việc sản xuất nông nghiệp sạch; vận động, khuyến khích, tuyên truyền cho bà con đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết và bao tiêu sản phẩm; tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết tạo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng mô hình và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân”.

 

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh