Menu de navigation

Agrégateur de contenus

angle-left Một số thay đổi chính sách trên thị trường Tháng 9

1. Quy định về xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA ngày 15/6/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cùng ngày hiệu lực với Hiệp định EVFTA.

Điểm b khoản 2 Điều 19 của Thông tư quy định đối với lô hàng xuất khẩu của Việt Nam có trị giá không quá 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Sau khi thực hiện tự chứng nhận xuất xứ (Điều 25 – Thông tư), thương nhân phải có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu do thương nhân tự chứng nhận trên hệ thống www.ecosys.gov.vn. Đối với lô hàng xuất khẩu có trị giá trên 6.000 EUR, nhà xuất khẩu phải có C/O mẫu EUR.1 thực hiện tương tự các C/O hiện hành.

2. Ngày 21/8/2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 5575/TCHQGSQL hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA trong khi chờ ban hành Nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định này.

Theo đó, Tổng cục Hải quan nêu rõ, đối với các tờ khai hải quan nhập khẩu đăng ký từ ngày 01/8/2020, trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp từ ngày 01/8/2020, cơ quan hải quan hướng dẫn người khai hải quan khai thông tin về chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019) và thực hiện tiếp nhận theo quy định.

Về áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của EU trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ tương ứng theo quy định được hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2020/TT-BCT (tự chứng nhận xuất xứ theo hệ thống REX). Đồng thời, EU không áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ tương ứng theo quy định được hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2020/TTBCT. Việt Nam sẽ cho hưởng ưu đãi đối với lô hàng có xuất xứ từ EU trên cơ sở chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được phát hành bởi nhà xuất khẩu đã đăng ký mã số REX hoặc bởi bất kỳ nhà xuất khẩu nào chứng nhận cho lô hàng có trị giá không quá 6.000 EUR.

Về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019). Trong giai đoạn dịch Covid-19, tham khảo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020.

3. Liên quan đến cảnh báo từ Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đối với một số thông tin sự vụ về “hạt tiêu đen nhẹ” (light black pepper) – mã HS 09041120 nhập khẩu từ Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu tại Thông báo số 21/2015-2020 (ngày 25/7/2018) của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ về việc điều chỉnh quy định điều kiện nhập khẩu tiêu vào thị trường Ấn Độ, đề nghị các doanh nghiệp và các cơ quan nắm bắt thông tin, kiểm soát chất lượng, dự phòng biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

4. Australia thông báo gia hạn thay đổi tạm thời đối với các yêu cầu đối với việc sử dụng bản gốc của giấy chứng nhận về giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và giấy chứng nhận y tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với dịch vụ hàng không và chuyển phát nhanh đến ngày 1/10/2020. Biện pháp này áp dụng đối với các hàng hoá nhập khẩu có nguồn gốc thực vật, động vật, sinh học và các hàng hoá có nguồn gốc động vật.

5. Hàn Quốc đề xuất sửa đổi “Đạo luật về dán nhãn và quảng cáo thực phẩm”. Theo đó, các đề xuất sửa đổi: thay thế cụm từ “Bán trước ngày” trên nhãn dán thực phẩm thành cụm từ “Sử dụng trước ngày”.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN