Navigációs menü

Tartalom megjelenítő

angle-left KHUYẾN NÔNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THƯƠNG HIỆUCAM HÀ TĨNH

Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã xây dựng được các vùng trồng cam tập trung, tạo ra những vườn cam trĩu quả, màu sắc hấp dẫn, hương thơm vị ngọt đậm đà, tạo nên sự khác biệt về năng suất, chất lượng và mẫu mã. Để phát triển bền vững thương hiệu cam Hà Tĩnh, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai nhiều giải pháp như nâng cao năng suất, thúc đẩy sản xuất cam đạt chứng nhận, xây dựng mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Một trong những sản phẩm nông nghiệp có giá trị tại Hà Tĩnh phải kể đến sản phẩm cam, cây cam ở Hà Tĩnh trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh  với những thương hiệu nổi tiếng cả nước như cam Khe Mây, cam Vũ Quang, cam giòn Thượng Lộc, cam Hương Sơn…  Vị ngọt thanh tao, thơm mát, giòn tan của những tép cam được chắt chiu từ dinh dưỡng của miền đất cằn sỏi đá, đầy nắng gió trên dải miền Trung khó bị pha lẫn với những sản phẩm cam nơi khác. Nhờ việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Đến đầu năm 2023 tổng diện tích cam trên toàn tỉnh đạt 7.646ha, diện tích cho sản phẩm trên 6.605ha, năng suất đạt trên 101 tạ/ha, sản lượng trên 66,725 tấn, giá trị 134 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, phải nói rằng để đạt được những thành tựu rực rỡ cho những vụ cam bội thu ở Hà Tĩnh. Ngoài sự nỗ lực cần cù, chịu khó của người nông dân phải kể đến trách nhiệm lớn lao hết mình của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, luôn chung nhịp bước cùng đồng hành khuya sớm với người nông dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển từ tư duy sản xuất manh mún sang tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Chặng hành trình gian nan vì mục đích hướng tới nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch chất lượng giúp sản phẩm cam Hà Tĩnh kết nối chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Những mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ

Để thay đổi tập quán canh tác, hướng tới nền sản xuất an toàn ứng dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn chất lượng, nâng cao năng lực trong sản xuất thông qua việc thành lập các tổ sản xuất nhằm giúp cam Hà Tĩnh vươn tới những thị trường lớn, từ nguồn ngân sách của địa phương và nguồn ngân sách Trung ương, trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng thành công 21mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc, Hương Sơn và Thạch Hà.

Năm 2016, mô hình được triển khai tại vùng Trà Sơn (xã Mỹ Lộc và xã Thượng Lộc), huyện Can Lộc. Kết thúc mô hình, tất cả nhà vườn tham gia mô hình đều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp nối thành công đó, từ năm 2017 – 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh nhân rộng mô hình tại các vùng trồng cam tập trung trong toàn tỉnh. Với quy trình thực hiện nghiêm ngặt nên các mô hình đã có sự thay đổi khó tin, tất cả các vườn cam đều trĩu quả, mẫu mã to đồng đều, năng suất, chất lượng được nâng cao. Năng suất thực thu tại các điểm triển khai mô hình đạt từ 14,29 – 18,72 tấn/ha, tăng 14,19 – 23,6%; lợi nhuận trung bình thu được là 285.621.600 đồng/ha, tăng từ 32,6 – 47,2% so với sản xuất truyền thống của nông dân.

  Hướng đi để chiếm lĩnh thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay được xác định là sản xuất cam đạt chứng nhận và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tham mưu, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho cây cam trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 123/NQ-HĐND và Nghị quyết số 51/NQ-HĐND. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền nhân rộng các kết quả đạt được cũng như chính sách hỗ trợ đến các cấp, các ngành và đông đảo bà con nông dân nên những năm qua diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP không ngừng tăng lên và đến cuối năm 2022 diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP trên toàn tỉnh là 1.997ha

Nỗ lực từng bước thay đổi tập quán, tổ chức sản xuất, kinh doanh để phát triển nghề trồng cam theo hướng chất lượng, bền vững, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang và xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, đến năm 2022, toàn bộ diện tích cam trong mô hình đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Thành công của mô hình là minh chứng cho khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn và trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để góp phần phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm cam

Từng bước đưa sản phẩm cam “vươn xa”

Với khả năng thích ứng, phù hợp và được sự cộng hưởng của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của Hà Tĩnh, đồng thời được người dân đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hiện cam Hà Tĩnh đã xây dựng được thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất cam cũng chỉ ra không ít bất cập như chưa xây dựng được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định. Mặc dù thương hiệu cam Khe Mây, Cam Vũ Quang, Cam giòn Thượng Lộc, cam Hương Sơn được bảo hộ, nhưng, làm thế nào để những thương hiệu này vươn xa hơn, phát triển bền vững hơn thì cần phải có những chiến lược dài hơi. Để giúp nông dân giải bài toán “được mùa, mất giá”, sản phẩm nông sản có địa chỉ tiêu thụ cụ thể, từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất. Trong thời gian qua, đã tổ chức khảo sát, hướng dẫn, phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận. Trong đó phải kể đến mối liên kết với Công ty TNHH Tân Thanh Phong và Cửa hàng hoa quả Tuyết Hùng khi đã tiêu thụ cho nông dân hàng ngàn tấn cam mỗi năm.

Việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã giúp đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; gia tăng chuỗi giá trị và cải thiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm cam tại Hà Tĩnh. Qua đó, giúp cam Hà Tĩnh thâm nhập vào nhiều thị trường lớn như hệ thống phân phối, bán lẻ của chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+, siêu thị Co.opmart

Xác định chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những bước đi quan trọng nhằm thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh quảng bá, kết nối đưa sản phẩm nông sản chủ lực của Hà Tĩnh vào các hệ thống phân phối lớn trong cả nước. Đồng thời xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh đã kịp thời thực hiện chuyển đổi số thành công trên cây cam và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống đã kết nối với trên 1.611 hộ dân và 278 hợp tác xã/tổ hợp tác trồng cam trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xây dựng gian hàng cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như Voso, Postmart, Sendo, Shopee và sàn thương mại điện tử của tỉnh nhằm giúp thương hiệu cam Hà Tĩnh đến được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.

Chất lượng là nền tảng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, là cơ sở để tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm, giúp cam Hà Tĩnh thực sự có vị trí và vươn lên một tầm cao mới và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ là điều kiện tốt nhất để cam Hà Tĩnh phát triển bền vững và vươn xa.

Đặng Thị Thuận