Navigációs menü

Tartalom megjelenítő

angle-left Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc 6 tháng đầu năm và giải pháp thúc đẩy những tháng cuối năm 2023

Trung Quốc nhiều năm qua liên tục duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trao đổi thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế thương mại của nước ta. Tuy nhiên theo thồng kê của Hải Quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023 lần đầu tiên kể từ năm 2004 đến nay sụt giảm (giảm 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái).

1. Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 75,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giảm 0,96% và nhập khẩu giảm 19,4%.

1.1. Xuất khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 25,9 tỷ USD, giảm 0,96% so với cùng kỳ (26,2 tỷ USD).

Các mặt hàng giảm mạnh bao gồm: xơ sợi dệt các loại (đạt 1 tỷ USD, giảm 20,7%); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (đạt 1,3 tỷ USD, giảm 18%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 706,6 triệu USD, giảm 25,6%); hàng dệt may (đạt 484,8 triệu USD, giảm 10,2%); cao su (đạt 778,9 triệu USD, giảm 13,4%); hàng thủy sản (đạt 634,4 triệu USD, giảm 22,9%); sắn và các sản phẩm từ sắn (đạt 522,9 triệu USD, giảm 23,9%).

1.2. Nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ. Trong nhập khẩu từ các đối tác chính của Việt Nam, đây là mức giảm nhập khẩu lớn thứ 2, chỉ sau Hàn Quốc (giảm 25,7%).

Các mặt hàng nhập khẩu giảm chính: máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (đạt 10,2 tỷ USD, giảm 14,9%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 10 tỷ USD, giảm 20,2%); vải các loại (đạt 4,1 tỷ USD, giảm 20,3%); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 3 tỷ USD, giảm 30,6%); sản phẩm từ chất dẻo (đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,1%); sắt thép các loại (đạt 2,3 tỷ USD, giảm 23,6%); nguyên phụ liệu dệt may,, da giày (đạt 1,5 tỷ USD, giảm 21,8%); chất dẻo nguyên liệu (đạt 1 tỷ USD, giảm 26,4%); kim loại thường khác (đạt 1,1 tỷ USD, giảm 15,7%); xơ, sợi dệt các loại (đạt 0,6 tỷ USD, giảm 23,7%).

1.3. Nguyên nhân

Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc sụt giảm liên tục tronng 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên sự sụt giảm này là khó tránh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Xuất khẩu của ta vào thị trường Trung Quốc chỉ giảm nhẹ ở mức dưới 1%, thấp hơn mức giảm xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới và thấp hơn rất nhiều so với mức giảm xuất khẩu của Việt Nam tới các đối tác thương mại chính trên thế giới và khu vực. Theo thống kê của Trung Quốc, nhập khẩu của nước này từ Việt Nam thậm chí còn tăng trưởng trong khi nhập khẩu của Trung Quốc từ thế giới giảm, đặc biệt nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính đều giảm mạnh. Tốc độ suy giảm xuất khẩu đang được thu hẹp dần và có cơ hội tăng trưởng trở lại tronng những tháng cuối năm nếu kinh tế Trung Quốc có tín hiệu phục hồi tốt hơn.

Một số nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là:

- Bối cảnh khó khăn chung của kinh tế, thương mại toàn cầu và Việt Nam: nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bấp bênh sau những tác động to lớn, kéo dài của đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới. Lạm phát tăng cao khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới siết chặt chi tiêu kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm. Cùng với đó, nhiều nhà nhập khẩu do lo ngại đại dịch vẫn tiếp tục kéo dài gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất đã tăng mức dự trữ hàng hóa giai đoạn trước khiến hàng tồn kho tăng cao, đơn hàng giảm mạnh.

- Các biện pháp bảo hộ, hạn chế thương mại gia tăng từ sau đại dịch Covid-19, không chỉ do chính sách hướng nội mà còn bởi sự phân mảnh địa chính trị và kinh tế dẫn đến sự phân hóa trong các thị trường như “ưu tiên thị trường ở gần” và “ưu tiên thị trường đối tác thân thiện” sẽ tồn tại trong ngắn hạn và trung hạn. Cụ thể: tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đưa Trung Quốc xích lại gần hơn một số đối tác, quan hệ kinh tế thương mại cũng chuyển dịch theo xu hướng này.

- Sự suy giảm còn do vấn đề nội tại của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Việc dừng hoạt động hoặc giảm quy mô hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã khiến sản xuất và xuất nhập khẩu đều suy giảm.

- Nguyên nhân từ các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc: (i) kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không đạt như kỳ vọng; (ii) Trung Quốc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; (iii) đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với đồng USD khiến xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc và các thị trường khác giảm do phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.

- Xuất nhập khẩu giảm còn do giá hàng hóa giảm.

- Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (nhất là nông sản) tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường Trung Quốc từ hàng hóa cùng loại của của các nước trong khu vực. Một số ưu thế của Việt Nam như vị trí địa lý gần gũi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp vớ nông sản nhiệt đới cũng đang bị thách thức.

2. Triển vọng xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc những tháng cuối năm 2023

2.1. Về tổng thể

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới (cầu ở mức thấp, lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tăng trưởng thấp,…), xuất khẩu của Việt Nam dự kiến còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với tình hình và xu thế hiện tại, xuất khẩu của ta đi Trung Quốc trong năm 2023 dự kiến có thể đạt tăng taưởng trở lại (khoảng 8%) trong trường hợp kinh tế Trung Quốc ổn định và không có những biến động đột xuất xấu hơn. Về nhập khẩu, dự báo tốc độ suy giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong các tháng cuối năm sẽ giảm dần (dự kiến giảm xuống dưới 10% trong cả năm 2023) khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đi một số thị trường quan trọng được từng bước khôi phục.

Về lâu dài, phát triển thương mại hướng tới nền thương mại chất lượng cao, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đã là xu thế chính sách không thể đảo ngược tại Trung Quốc. Hàng hóa xuất khẩu nếu đã đạt tiêu chuẩn và thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc theo hình thức chính quy sẽ có cơ hội thâm nhập và phát triển một cách bền vững thông qua hệ thống logistics và phân phối hiệu quả của nước này; đồng thời cũng sẽ xác lập chỗ đứng vững chắc tại thị trường. Hoạt động xuất khẩu cũng như hàng hóa sản xuất của ta cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng để giữ được thị phần tại thị trường Trung Quốc trước khi tính toán đến việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa nước này.

2.2. Triển vọng xuất khẩu một số mặt hàng

- Hàng dệt may: thị trường dệt may và thời trang thế giới dự kiến vẫn tiếp tục gặp khó khăn, tổng nhu cầu dệt may thế giới dự kiến đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với 2022. Trong bối cảnh đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 34,56 tỷ USD.

Với thị trường Trung Quốc, dự kiến nhu cầu của thị trường có thể khôi phục, đặc biệt trong những dịp lễ cuối năm; tuy nhiên trong thời gian tới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xem xét áp dụng Lệnh 259 về giám định bên thứ 3 đối với nhóm hàng dệt may.

- Máy vi tính, sản phẩm điện thoại và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện: với việc dự báo nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể hồi phục, xuất khẩu 2 mặt hàng này dự kiến sẽ tăng trưởng khả quan và đóng góp với tổng thể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

- Clanhke và xi măng: nhập khẩu từ Việt Nam đạt 45,4 triệu USD, giảm 90,3%. Từ cuối năm 2022, nhu cầu xi măng tại thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh, quan hệ cung cầu mất cân đối nghiêm trọng, giá xi măng và clanhke liên tục dao động và điều chỉnh ở mức đáy, lợi thế về giá của clanhke nhập khẩu bị mất, lợi nhuận bị thu hẹp và nhập khẩu clanhke từ nước ngoài gần như đã không còn xuất hiện ở thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, với việc Trung Quốc ban hành Lệnh 259 và đưa sản phẩm xi măng vào danh mục hàng hóa áp dụng cho Lệnh này, trong thời gian tới hoạt động xuất khẩu xi măng vào Trung Quốc sẽ đối mặt một số khó khăn nhất định. Việt Nam với vai trò là đối tác cung ứng xi măng lớn nhất cho Trung Quốc, một mặt sẽ phải thích ứng với Lệnh 259 khi nước này chính thức đưa ra lộ trình áp dụng, một mặt sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhu cầu suy giảm tại thị trường.

- Hàng thủy sản:

+ Cá da trơn chiếm tỷ trọng trên 25% trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 153,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 55% trong tổng nhập khẩu cá da trơn của Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc từ Việt Nam đã giảm tới 54% so với cùng kỳ. Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cá da trơn với lợi thế giá cả hợp lý, giàu dinh dưỡng, thịt cá trắng vẫn là sự lựa chọn phù hợp cho người tiêu dùng Trung Quốc.Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ vẫn duy trì là nguồn cung cá da trơn chủ yếu cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đa dạng hóa nguồn cung mặt hàng này, trong đó bao gồm cả các đối tác thuộc khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Điều này sẽ dần gây áp lực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi nước này ngày càng đặt ra các yêu cầu cao đối với sản phẩm nhập khẩu.

+ Tôm là một trong hai mặt hàng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các chủng loại thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc (khoảng 40%). Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 6 tháng 2023, nhập khẩu tôm từ Việt Nam của Trung Quốc đạt kim ngạch 43,8 triệu USD, giảm 67% so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn có khả năng phục hồi, tuy nhiên tốc độ phục hồi sẽ chậm do hạn chế trong cạnh tranh về giá.

- Sắn và các sản phẩm sắn: Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường cung cấp tinh bột sắn chủ yếu cho Trung Quốc. 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam giảm 460 triệu USD xuống mức 227 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ.

- Hàng rau quả: kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9%. Động lực tăng trưởng của nhóm hàng này đó là sầu riêng, dưa hấu, trái cây đông lạnh, tuy nhiên có một số mặt hàng ghi nhận sụt giảm mạnh như: thanh long giảm 47%; xoài giảm 97%.

- Cao su: nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 946,4 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ.

3. Các biện pháp thúc đẩy ổn định và tăng trưởng thương mại với thị trường Trung Quốc những tháng cuối năm 2023

- Phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương để tận dụng cơ hội mở rộng hợp tác thương mại, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thương mại song phương.

- Tăng cường khai thác mở rộng cơ hội hợp tác với các thị trường Trung Quốc theo chiến lược “tiếp cận vùng”.

- Thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác với các cơ quan đối tác của Trung Quốc để tạo thuận lợi cho hợp tác song phương.

- Ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc từ đó góp phần ổn định kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN