Tartalom megjelenítő
Thị trường Trung Quốc
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, Chính quyền Quảng Tây đang tăng cường áp dụng biện pháp kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của thực phẩm nhập khẩu; Chính quyền Thành phố Đông Hưng, Trung Quốc gần đây cũng tăng cường tổng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với thủy sản, các loại thịt tại các chợ nông sản, siêu thị, khách sạn trên địa bàn. Trước tình hình này, khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc... Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo về việc Trung Quốc mong muốn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tự giác tuân thủ các quy định trong cẩm nang “Dịch bệnh Covid và An toàn thực phẩm: Cẩm nang dành cho doanh nghiệp thực phẩm” do Tổ chức Nông Lương thế giới và Tổ chức Y tế thế giới phát hành để tổ chức sản xuất, phòng chống có hiệu quả việc nhiễm virus trong quá trình sản xuất.
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam sang Trung Quốc, Vụ Kiểm dịch Động thực vật – Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đề nghị cung cấp thông tin các doanh nghiệp trồng, sản xuất hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc để thực hiện công tác đăng ký, lưu hồ sơ với Trung Quốc. Hồ sơ này phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xét duyệt, cho phép xuất khẩu và gồm những thông tin cụ thể như sau: tên doanh nghiệp, địa chỉ doanh nghiệp, chủng loại sản phẩm xuất khẩu. Danh sách xét duyệt có thể tiếp tục được điều chỉnh, cập nhật sau đó tuỳ thuộc vào tình hình hợp tác thương mại và mong muốn của doanh nghiệp.
Thị trường EU
Ngày 8/5/2020, Uỷ ban Châu Âu đã thực hiện Quy định EU 2020/633 về việc đưa ra các biện pháp tạm thời chấp nhận bản sao điện tử từ bản gốc của Đơn xin hạn ngạch thuế nhập khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp với các nội dung cụ thể như sau:
1. Quy định này đưa ra các biện pháp tạm thời quy định về việc chấp nhận bản sao điện tử của bản gốc của các tài liệu chính thức gồm:
- Đơn xin giấy phép nhập khẩu và quyền nhập khẩu đối với hạn ngạch thuế quan áp dụng Quy định (EC) số 1301/2006;
- Đơn xin cấp giấy phép nhập khẩu gạo Basmati trấu thuộc phạm vi Quy định (EC) số 972/2006.
2. Quy định này cũng đưa ra các biện pháp tạm thời liên quan đến yêu cầu bảo mật trong đó nhà điều hành đã xuất trình một bản sao điện tử của chứng chỉ xác thực gốc cho cơ quan có thẩm quyền.
3. Các tài liệu chính thức phải kèm theo đơn xin cấp giấy phép nhập khẩu hoặc quyền nhập khẩu có thể được gửi dưới dạng bản sao điện tử của bản gốc các tài liệu đó.
Vì mục đích đó, nhà điều hành sẽ trình lên cơ quan có thẩm quyền một bản tuyên bố theo đó bản gốc của tài liệu chính thức sẽ được nộp ngay khi khả thi về mặt kỹ thuật và chậm nhất là trong vòng 3 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp đơn liên quan đối với giấy phép nhập khẩu hoặc quyền nhập khẩu đối với hạn ngạch thuế quan áp dụng Quy định (EC) số 1301/2006; ngày xin cấp giấy phép nhập khẩu gạo Basmati trấu thuộc phạm vi Quy định (EC) số 972/2006.
4. Khi cơ quan cấp giấy phép đã nhận được bản gốc của tài liệu chính thức, cơ quan đó sẽ xác minh tính nhất quán của nó với thông tin trong bản sao điện tử của tài liệu chính thức đó.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày tiếp theo sau khi được công bố trên Tạp chí chính thức của Liên minh châu Âu và được áp dụng cho đến ngày 31 tháng 7 năm 2020.
NHƯ QUỲNH-CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN