מוציא לאור של הנכס
Thời điểm này các trà lúa xuân ở tỉnh ta đang vào giai đoạn cuối đẻ nhánh và làm đòng. Đây là thời kỳ cây lúa rất dễ bị dịch hại tấn công phá hoại. Trong đó nguy hại nhất là nạn chuột phá lúa. Ngoài ra năm nay do thời tiết ấm, độ ẩm cao nên nguy cơ bùng phát bệnh dịch đạo ôn trên diện rộng dễ xảy ra. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các địa phương phải triển khai ngay những giải pháp cấp bách trong việc chăm sóc bảo vệ lúa, chứ không đợi khi dịch bệnh bùng phát mới vào cuộc.
Mấy hôm nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà Nguyễn Thị Hải (thôn Bình Minh xã Cẩm Bình huyện Cẩm Xuyên) đã chủ động ra đồng thăm ruộng lúa để theo dõi tình hình sâu bệnh. Vụ Xuân này, gia đình bà gieo sạ 3 sào lúa, cơ cấu chủ yếu là giống Khang dân 18. Theo kinh nghiệm nhiều năm sản xuất, bà nhận thấy ở vào giai đoạn cây lúa đang chuẩn bị làm đòng, thường xuất hiện sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn, khô đầu lá. Tuy nhiên năm nay ngoài sâu bệnh, thì nạn chuột phá hoại lúa cũng diễn ra khá nhiều. Bà Hảai cho biết: “sau khi phun thuốc phòng trừ bệnh đỏ đầu lá, cây lúa vừa mới phục hồi, thì giờ lại đến nạn chuột cắn phá ngay ở giữa đám ruộng. Gia đình phải cắm cờ ni lông để đuổi chuột; đồng thời rải bả diệt chuột sinh học để phòng trừ. Sáng nào bà cũng ra thăm đồng, kiểm tra các ruộng lúa và thường xuyên cho nước vào ruộng để hạn chế chuột cắn phá”.
Hiện nay, đang là thời điểm chuột phá hoại mạnh trên nhiều cánh đồng gây thiệt hại nặng
Chuột không phải như một số dịch bệnh khác, lây lan theo chu kỳ hoặc cơ chế cố định. Chúng có thể di chuyển nhanh, xa và liên tục tăng đàn theo cấp số nhân vào mùa sinh sản.Vì thế, những thiệt hại do nạn chuột càng khó lường. Hiện nay, các trà lúa xuân đang chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng, cũng là thời điểm chuột bước vào kỳ sinh sản mạnh. Theo dự báo: khoảng 10 ngày tới, nạn chuột sẽ bùng phát cao nhất về số lượng, mức độ phá hại cũng ví thế mạnh nhất trong vụ xuân.
Được biết, để phòng trừ chuột phá hoại, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên đã trích ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí mua gần 1 tấn chế phẩm sinh học biorat cung cấp về cho bà con. Thời gian này cứ chiều chiều, bà con nông dân xã Cẩm Bình lại tay xẻng, tay thúng đựng thuốc diệt chuột sinh học ra đồng đặt bẫy. Họ thu dọn xác con chuột chết rồi tiếp tục rải bả sinh học và đào hang bắt số mới. Dù vậy, nạn chuột ở đây vẫn diễn biến phức tạp.
Bệnh đạo ôn đang có chiều hướng gia tăng trên lúa Xuân Hà Tĩnh
Không chỉ mối lo từ chuột, mà những ngày này nhiều nông dân tại huyện Cẩm Xuyên cũng đã sớm triển khai các giải pháp ứng phó với dịch bệnh đạo ôn. Theo kinh nghiệm của nông dân: Những năm nào thời tiết ẩm độ ẩm cao như vụ xuân năm nay thì nguy cơ dịch bệnh đạo ôn bùng phát gây hại là rất lớn.
Theo Kỹ sư Trần Thị Trang - Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Cẩm Xuyên, đến thời điểm hiện tại, huyện Cẩm Xuyên đã có hơn 610 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá; tỷ lệ gây hại trung bình đã tăng lên từ 3 - 5% ở giai đoạn trước lên 10 - 15%, cục bộ có những điểm 35 - 40% như ở các xã Cẩm Quan, Cẩm Thịnh, Nam Phúc Thăng. Những vết bệnh xuất hiện rải rác, chỉ trong vài ngày đã lan rộng ra hầu hết diện tích và đang có xu hướng phát sinh thêm. Mặc dù các hộ đã chủ động phun thuốc tuy nhiên qua kiểm tra thăm đồng đã thấy các vết bệnh cấp tính xuất hiện nhiều, tỷ lệ nhiễm bệnh cao nên nguy cơ lây lan là rất cao và có thể xảy ra cháy lụi nếu không phun kịp thời.
Tại huyện Thạch Hà, thời gian này, ngành chuyên môn của huyện đang tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân bón phân cho lúa cân đối, không bón thừa đạm để hạn chế bệnh đạo ôn gây hại. Theo ông Nguyễn Văn An, PGĐ Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Thạch Hà, đối với bệnh đạo ôn, nếu kịp thời phát hiện và có quy trình phòng trừ hợp lý thì lại có thể đẩy lùi được sự lây lan và bùng phát. Khi phát hiện bệnh, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng trừ; đặc biệt là bao vây, khống chế, tuyệt đối không để bệnh lây lan ra diện rộng; quản lý chặt chẽ thị trường thuốc BVTV, đồng thời phối hợp với các đơn vị kinh doanh thuốc BVTV có uy tín để kịp thời cung ứng cho bà con sử dụng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại Thị trấn Thạch Hà một số diện tích nhiễm bệnh sau khi phun thuốc hóa học Beam 75WP và Ninja 35EC đúng quy trình, kỹ thuật thì lúa hết vết bệnh và màu xanh của cây lúa đã trở lại.
Thời tiết vẫn tiếp tục âm u, độ ẩm không khí cao trở thành điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển. Trong khi đó, một số diện tích do không tuân thủ thời vụ gieo cấy trước đó đã bắt đầu trổ bông, trở thành mối nguy cho tình hình dịch bệnh ở Hà Tĩnh. Không chỉ đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông cũng có nguy cơ phát sinh diện rộng. Qua điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đã xuất hiện các đối tượng dịch hại. Cụ thể bệnh đạo ôn hại lúa phát sinh gây hại rải rác trên toàn tỉnh, với 735ha lúa đã bị nhiễm tập trung. Cao nhất là huyện Cẩm Xuyên (610 ha), Thị xã Hồng Lĩnh (48 ha), Đức Thọ, Kỳ Anh cùng 20 ha… Đáng nói dấu hiệu đạo ôn đang có xu hướng tiếp tục tăng. Nạn chuột đang xảy ra ở tất cả vùng miền và địa phương trên toàn tỉnh. Đặc biệt, đối với những địa phương có nhiều gò đồi, chân núi như Hương Sơn, Vũ Quang; một số vùng cao cưỡng, cạn nước ở Lộc Hà, Thạch Hà hay là nơi có nhiều trà lúa bước vào giai đoạn làm đòng như Đức Thọ.
Để chủ động phòng trừ, các đối tượng sâu bệnh, ngành chuyên môn đã khuyến cáo bà con nông dân cần tập trung công tác chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón cân đối các loại phân bón; Duy trì chế độ nước thích hợp cho lúa sinh trưởng, tăng khối lượng chất xanh và khả năng chống chịu. Tập trung cao cho công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo diễn biến tình hình bệnh đạo ôn. Tổ chức khoanh vùng, cắm vè những diện tích lúa bị nhiễm bệnh để tiến hành phòng trừ có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra. Đối với nạn chuột, cần tổ chức ra quân diệt chuột, ưu tiên sử dụng bẫy bã sinh học, bắt thủ công, tuyệt đối không dùng điện để bắt và các hóa chất độc hại /.
Nguyễn Hoàn