תפריט ניווט

מוציא לאור של הנכס

angle-left Hà Tĩnh: Hơn 610 ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn lá

 Hiện nay, tại Hà Tĩnh, lúa xuân đang trong giai đoạn kết thúc đẻ nhánh - làm đòng. Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến thời điểm này, trên địa bàn đã có 610 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Qua kiểm tra cho thấy, bệnh không chỉ xuất hiện trong nhóm giống mẫn cảm như trước đây mà còn lan rộng ra nhiều trà giống khác của lúa xuân...

Vụ Xuân năm 2020, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã gieo cấy 58.946 ha/ 58.956 ha lúa xuân, đạt 99,9% kế hoạch, đến nay, cơ bản gieo cấy xong, trong đó: Diện tích gieo thẳng 45.809 ha, cấy 13.138 ha. Thời tiết từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi với nền nhiệt cao hơn mọi năm nên lúa phát triển tốt. Tuy vậy, nguy cơ tiểm ẩn sâu bệnh khá nhiều. Đặc biệt là bệnh đạo ôn đã xuất hiện sớm và gây hại mạnh ở một số địa phương trong tỉnh.

Từ đầu tháng 2/2020, bệnh đạo ôn đã được phát hiện rải rác ở Nghi Xuân, Đức Thọ, Lộc Hà). Tại thời điểm đó bệnh được xác định là chỉ gây hại trên các giống lúa mẫn cảm như: Xi23, NX30, TBR225,… nhưng đến nay, không chỉ xảy ra trên các giống đó mà còn lan rộng trên nhiều trà giống khác như:  VTNA6, Bắc Hương 9, …

Ghi nhận tại huyện Cẩm Xuyên, hiện đang là địa phương có diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá lớn nhất tỉnh (500 ha), chiếm trên 83% diện tích nhiễm toàn tỉnh. Bệnh đạo ôn chủ yếu gây hại trên một số giống như: VTNA6, TBR225 và các dòng lúa thơm ở một số địa phương: Cẩm Quan, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn...

Theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, những diện tích bị đạo ôn chủ yếu gieo trước Tết Nguyên đán, đến nay đúng thời điểm lúa sinh trưởng mạnh về thân lá thì gặp thời tiết ẩm ướt, âm u của tiết Kinh trập đã bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, tập quán gieo dày của bà con nông dân khiến cho cây lúa không đảm bảo được mật độ cũng khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên ông Lê Ngọc Hà cho biết: “Huyện đã ban hành công điện khẩn về bệnh đạo ôn trên toàn huyện, theo đó, phân công cán bộ kỹ thuật bám địa bàn để chỉ đạo kịp thời công tác phòng trừ. Hiện nay, việc xác định được nhóm giống nhiễm, trà nhiễm sẽ tạo điều kiện cho các địa phương khoanh vùng, xử lý kịp thời và hiệu quả”.

Cán bộ Kỹ thuật đang kiểm tra sâu bệnh trên lúa xuân

 

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện nay, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình 5-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ có những nơi 25-30%. Trong đó, có 21 ha nhiễm nặng, tập trung chủ yếu trên các giống NA6, Bắc Hương 9, Xi23, TBR225, P6,...

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Trưởng chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Chi cục đang tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình phát sinh của bệnh, đồng thời cảnh báo sớm các vùng có nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng để bà con chủ động phòng trừ. Trong tình hình bệnh đang lây lan, điều kiện thời tiết bất lợi, đòi hòi các địa phương không chủ quan, lơ là mà cần phải nắm chắc diễn biến của thời tiết cũng như tình hình dịch bệnh và phối hợp với các cơ quan chuyên môn thống kê trung thực diện tích nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời hiệu quả”.

Theo đó, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, bà con cần thường xuyên thăm đồng, thực hiện hướng dẫn phòng trừ đúng cách, xử lý tốt mầm bệnh, tránh lây lan. Khi phát hiện lúa bị nhiễm bệnh, bà con phải ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm, duy trì mực nước mặt ruộng 3-5cm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển, phát huy hiệu lực của thuốc trừ bệnh, tiến hành xử lý bằng các loại thuốc như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Fuji one 40WP, Fu Nhật 40WP, Kabim 30WP, Ninja 35SE, Filia 525SE,…

Nguyễn Hoàn