מוציא לאור של הנכס
Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP). Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác pháp chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cụ thể: (i) chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao; (ii) tổ chức pháp chế được thành lập, củng cố và kiện toàn; (iii) nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng cao; (iv) cơ chế phối hợp trong lãnh đạo và triển khai công tác pháp chế từng bước được xác lập, hiệu quả hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế; Về tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Về tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế; Về điều kiện bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức pháp chế…
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi cho người làm công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế. Ngày 18/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP.
Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 10 điều (Điều 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 12), chủ yếu là về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế. Bổ sung 03 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác pháp chế (Điều 5a, 10a và Điều 16a); bãi bỏ 01 điều (Điều 17 về điều khoản chuyển tiếp).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/7/2024, Vụ Pháp chế giới thiệu với một số nội dung mới sau đây:
(1) Về vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế
Bổ sung khoản 3 vào Điều 2 quy định về tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể: “Tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”.
(2) Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ
Gồm 08 điểm để sửa đổi, bổ sung: Về công tác xây dựng pháp luật; Về công tác rà soát, hệ thống hóa, pháp điển QPPL và hợp nhất văn bản QPPL; Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL; Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Về công tác bồi thường nhà nước; Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
(3) Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế Tổng cục, Cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ
Tương tự với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP bổ sung nhiệm vụ của tổ chức pháp chế Tổng cục, Cục trong việc giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng phối hợp với tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết; chủ trì hoặc phối hợp thực hiện hợp nhất văn bản QPPL; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
(4) Về ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp và chế độ hỗ trợ dành cho pháp chế viên, pháp chế viên chính và pháp chế viên cao cấp
Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để quy định về chức danh, tiêu chuẩn ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp với các nội dung cụ thể như sau:
- Pháp chế viên là người được bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế theo quy định của pháp luật. Ngạch pháp chế viên bao gồm pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp.
- Quy định nội dung về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp.
- Quy định tiêu chuẩn của người đứng đầu tổ chức pháp chế gồm: (1) người đứng đầu Vụ/Cục thực hiện công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục; (ii) người đứng đầu Ban/Phòng hoặc tương tương thực hiện công tác pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục, cục, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện công tác pháp chế; (iii) trường hợp luân chuyển, điều động người đứng đầu tổ chức, đơn vị khác sang giữ vị trí người đứng đầu tổ chức pháp chế, người được điều động, luân chuyển.
(5) Về chế độ hỗ trợ đối với công chức làm công tác pháp chế
Nghị định bổ sung quy định công chức làm công tác pháp chế trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định này ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày, ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ từ 40.000 đồng/ngày. Chế độ hỗ trợ này được áp dụng cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.
Thu Hằng-VP.