アセットパブリッシャー
Sáng 03/7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 và sơ kết công tác quản lý chất lượng, ATTP năm 2020 tại thành phố Buôn ma Thuột, tỉnh Đắk lắk. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp chủ trì Hội nghị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tham dự.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Tính đến 20-6-2020 cả nước đã có có 170 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 4,4 lần so với năm 2019) với 4.846 doanh nghiệp được chứng nhận; 603 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 6.363 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 1,2 lần năm 2019); 792 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 1711 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển được 1612 chuỗi, 2346 sản phẩm và 2989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi
Lãnh đạo Bộ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trước tình hình dịch Covid -19, trong 6 tháng đầu năm 2020 Bộ và các tỉnh/thành phố đã tăng cường thông tin, truyền thông đến người dân, doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung chất lượng, an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Kết quả đạt được tạo dư luận tốt trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát ATTP theo chuỗi đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận, xác nhận an toàn.
Trong 6 tháng qua, ngành cũng đã kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất xử lý 7/1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu An toàn thực phẩm; 87/812 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật; 3/1.074 mẫu thịt lợn, thịt và trứng gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh. Không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong hơn 1.300 mẫu thịt lợn và nước tiểu lợn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức thẩm định, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, đến nay các địa phương đã thực hiện thẩm định đánh giá phân loại được 1.851 cơ sở xản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản. Tiến hành thanh tra, kiểm tra 29.200 cơ sở, xử phạt hành chính 1.740 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với số tiền phạt trên 12 tỷ đồng, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 17 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Để triển khai hiệu quả đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, với mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới, các địa phương phải triển khai ngay nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm quy mô, chất lượng, an toàn; áp dụng công nghệ cao và các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi gắn với hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm dựa trên phân tích nguy cơ đặc biệt tại các khâu đoạn từ sản xuất ban đầu (kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ) đến công đoạn chế biến, tiêu thụ, đặc biệt kiểm soát sử dụng phụ gia, điều kiện vệ sinh, đảm bảo ATTP tại làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Kế hoạch đã cụ thể hóa phân công nhiệm vụ tới từng cơ quan, đơn vị trong Ngành theo các nhóm nhiệm vụ: Từ Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP đến tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm; thúc đẩy sản xuất nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn; tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra, tập trung vào kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; kiểm soát sử dụng phụ gia, điều kiện vệ sinh, đảm bảo ATTP tại làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cơ sở chuyên doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiện toàn tổ chức bộ máy ngành dọc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đảm trách công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ...
Nguyễn Thị Hoài Thu – Chi cục QLCL Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Tĩnh