ナビゲーションメニュー

アセットパブリッシャー

angle-left TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH NUÔI CUA ĐỒNG

Tận dụng những ruộng lúa thấp trũng, kém hiệu quả ông Võ Văn Thái thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên bắt tay vào nuôi thử nghiệm cua đồng, sau những tháng ngày cần mẫn chăm sóc, nuôi dưỡng với những tâm huyết và công sức. Đến nay, đã đưa lại cho ông một nguồn thu nhập khá để ông tiếp nối động lực cho những vụ tiếp theo.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông ông thấu hiểu được cái khó của phát triển sản xuất nông nghiệp để làm giàu không phải là dễ “Được mùa thì mất giá được giá thì mất mùa”. Tận dụng những diện tích đất ruộng kém hiệu quả trong những năm vừa qua ông đã mạnh dạn đầu tư thuê nhân công sữa sang ruộng vườn, nuôi một số đối tượng cá nước ngọt truyền thống như: Cá chép, cá rô, cá lóc … nhưng chưa đem lại được giá trị kinh tế tăng thu nhập cho gia đình, có năm do điều kiện thời tiết lũ lụt làm ảnh hưởng đến năng suất, có năm giá bán thấp, ông nhận thấy tiềm năng ấy cũng chưa phát huy được tính hiệu quả. Từ đó, đã thúc đẩy ông có những suy nghĩ, mạnh dạn thay đổi tư duy, đầu tư cơ sở hạ tầng và áp dụng các tiến bộ KHKT, du nhập các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao vào nuôi nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội.

Ông Thái cho biết, cua đồng là đối tượng nuôi mới, trong xã chưa có hộ nào nuôi, vào cuối năm 2023 tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo lại ruộng nuôi, bước đầu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, vốn còn ít nhưng tôi cũng mạnh dạn vay mượn để quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm lứa cua đầu tiên với quy mô 300 kg cua giống, kích cở giống bình quân 300 con/kg; cua giống được lựa chọn không có mầm bệnh, cua đồng đều về kích cở, đầy đủ các phụ bộ ... Qua 4 tháng nuôi cua sinh trưởng phát triển tốt, không phải đầu tư thời gian nhiều và thức ăn khá đơn giản. Quá trình nuôi tôi cũng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm qua đài, báo, đọc thêm tài liệu và đặc biệt được hướng dẫn của các bộ kỹ thuật chuyên môn của tỉnh, huyện, xã.

Theo kinh nghiệm của Ông Thái: Khi đưa giống về, Cua được thả từ bờ ruộng để cua từ từ bò xuống, nhằm đảm bảo cua không bị sốc về môi trường. Theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cua cần cung cấp các loại thức ăn phù hợp để cua phát triển tốt, tránh hiện tượng dư thừa thức ăn gây lãng phí và gây ô nhiễm môi trường dễ phát sinh mầm bệnh. Quá trình chăm sóc, quản lý tôi thả bèo tây trên bề mặt ruộng để làm nơi cư trú cho cua, tránh nắng, tránh mưa, trung bình mỗi tuần thay nước 1 lần, để kích thích cua lột xác phát triển.

Sản phẩm thu hoạch mô hình nuôi cua đồng tại hộ ông Võ Văn Thái

Đối với nguồn thức ăn tôi sử dụng các loại nhuyễn thể như cá tạp, ốc, các loại rau, cám gạo… bên cạnh đó tôi còn nuôi thêm trùn quế với diện tích 50m2 để cung cấp nguồn thức ăn cho cua, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Khi cua bước vào giai đoạn trưởng thành mau lớn, ăn khỏe, lượng thức ăn dồi dào và đa dạng hơn.

Với diện tích thẻ nuôi 3.600m2, sau 4 tháng nuôi gia đình cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi ngày thu hoạch từ 70 – 100kg, sau những ngày thu hoạch, tổng sản lượng thu hoạch được 800kg, với giá bán 130.000 – 150.000đ/kg, sau khi trừ các chi phí (giống, thức ăn, các loại men tiêu hoá, thuốc phòng trị bệnh…) lợi nhuận thu về cho gia đình 70 triệu đồng. Dù có vất vả nhưng với niềm đam mê phần nào đã giúp ông có thêm động lực tăng thu nhập cho gia đình có cuộc sống khá ổn định, cua được các thương lái thu mua sau đó cung cấp đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Cua đồng giàu chất dinh dưỡng giúp phát triển tăng hàm lượng Caxi cơ thể, sản phẩm được chế biến rất nhiều món như: bún rêu cua, lẩu cua, canh cua, chiên giòn...được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Thuận lợi hơn tại xã và những xã xung quanh như Cẩm Hưng, Cẩm Hà… có rất nhiều thương lái kinh doanh mặt hàng này bà con chúng tôi sản xuất không lo đầu ra, dễ bán và có bao nhiêu thương lái thu gom hết bấy nhiêu.

Nhận thấy tiềm năng để phát triển kinh tế tôi là người tiên phong đi đầu trong việc nuôi cua thử nghiệm xây dựng mô hình, ngoài ra tôi còn thả thêm cá chạch, mỗi ngày cho thu hoạch từ 3 -5kg với giá 100.00đ/kg. Tuy mới nuôi thử nghiệm nuôi lần đầu nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện phát triển tại địa phương, đón nhận nhiều tình cảm động viên của vợ và các con trong gia đình để tôi tiếp tục thả lứa nuôi thứ 2 cho vụ tới.

Hy vọng với những kết quả thành công bước đầu là động lực để giúp ông tiếp tục phát huy có hiệu quả mở rộng diện tích, tận dụng đất đai, điều kiện tự nhiên sinh thái phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Nguyễn Thị Lý - Trung tâm Khuyến nông