Contentverzamelaar
1. Lúa gạo
Tính đến ngày 15/6/2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1,6 tỷ USD tăng 4,6% về lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2020 ước đạt 409 nghìn tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn và 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Tại Hà Tĩnh, xuất khẩu gạo đạt 8.300 tấn gạo trị giá gần 4 triệu USD với thị trường chính là Trung Quốc, Lào, thấp hơn kế hoạch đầu năm.
Tính trong 5 tháng đầu năm, Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 39,9% thị phần với khối lượng đạt 1,3 triệu tấn và 598,6 triệu USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 42,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là: Senegal (gấp 18,3 lần), Indonesia (gấp 2,9 lần) và Trung Quốc (gấp 2,3 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Hồng Kông (giảm 38,6%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 485,1 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38,0% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 38,0%; gạo nếp chiếm 19,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippin (với 399,0 triệu USD, chiếm 63,6%), Malaysia (với 78,9 triệu USD, chiếm 12,6%) và Ghana (với 18,4 triệu USD, chiếm 2,9%). Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippin (với 229,4 triệu USD, chiếm 36,6%), Ghana (với 91,3 triệu USD, chiếm 14,6%) và Bờ Biển Ngà (với 61,6 triệu USD, chiếm 9,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (với 244,8 triệu USD, chiếm 75,6%), Philippin (với 25,2 triệu USD, chiếm 7,8%) và Malaysia (với 18,5 triệu USD, chiếm 5,7%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (với 20,3 triệu USD, chiếm 29,4%), Đảo quốc Solomon (với 8,6 triệu USD, chiếm 12,4%), và Philippin (với 5,9 triệu USD, chiếm 8,5%).
Trên thị trường thế giới, trong tháng 6/2020, giá gạo xuất khẩu Thái Lan đã tăng nhẹ so với tháng 5/2020 do tỷ giá đồng Baht tăng và có sự thiếu hụt nguồn cung do hạn hán. Tình trạng giá tăng cao đã khiến cho gạo Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu chính khác như Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi đó, gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm nhẹ do tỷ giá đồng Rupee giảm, và nhu cầu đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đang chững lại; bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 khó lường khiến chính phủ Ấn Độ khó có thể gỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn, nên kéo dài tình trạng thiếu hụt lao động logistics. Cụ thể, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng từ 490 – 512 USD/tấn lên 505 – 533 USD/tấn (FOB Băng Cốc). Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm từ 368 – 373 USD/tấn xuống còn 366 – 372 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3. Tại Việt Nam, nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu đang dần được đưa ra thị trường, khiến cho giá gạo giảm nhẹ so với tháng trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức cao 475 USD/tấn xuống còn 450 USD/tấn (FOB TPHCM), mức thấp nhất trong gần 2 tháng.
Một số nhận định và dự báo:
(1) Theo USDA tháng 6/2020, dự báo sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 494,3 triệu tấn, giảm khoảng 0,4% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 489,8 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019;
(2) Đối với Việt Nam, triển vọng xuất khẩu gạo đang được mở ra khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) được Quốc hội thông qua. Trong đó, cam kết cụ thể EU dành cho Việt Nam là hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hoá hoàn toàn với gạo tấm. Sau 3 – 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.
2. Chè
Khối lượng xuất khẩu chè tháng 6 năm 2020 ước đạt 12 nghìn tấn với giá trị đạt 19 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm 2020 đạt 58 nghìn tấn và 90 triệu USD, tăng 0,5% về khối lượng nhưng giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu chè của Hà Tĩnh đạt 660 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 triệu USD, thị trường xuất khẩu chính là Pakistan, Afghanistan, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (772 tấn chè có giá trị 1,9 triệu USD) và thấp hơn so với kế hoạch đầu năm
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu chè sang nhiều thị trường chính vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt là Nga, Indonesia và Hoa Kỳ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè sang Nga đạt 6,1 nghìn tấn, tương đương 9,3 triệu USD, tăng 11,6% về khối lượng và tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; tương tự, xuất khẩu chè sang Indonesia đạt 5,1 nghìn tấn, tương đương 4,5 triệu USD, tăng 36,7% về khối lượng và tăng 29,4% về giá trị; xuất khẩu chè sang Hoa Kỳ đạt 2,4 nghìn tấn, tương đương 3 triệu USD, tăng 15,1% về khối lượng và tăng 17% về giá trị. Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia xuất khẩu chè lớn như Ấn Độ và Sri Lanka vẫn đang trong tình trạng kiểm soát dịch bệnh nên làm gián đoạn hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến sản lượng chè, giá vì thế cũng tăng mạnh. Trong số các nước sản xuất chè chủ chốt, Kenya - nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới là một trong số ít những nước có sản lượng tăng. Tại thị trường trong nước, sau khi giảm vào cuối tháng 5, giá chè nguyên liệu trong nước tháng 6/2020 diễn biến ổn định. Trong 6 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 tác động lên thị trường chè toàn cầu khiến xuất khẩu chè của Việt Nam gặp khó khăn, nhu cầu giảm khiến giá chè nguyên liệu xuất khẩu và trong nước cũng có xu hướng giảm. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng giảm. Tại Việt Nam, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, sản lượng chè sản xuất ra gần như không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.
Một số nhận định và dự báo:
Trong thời gian tới, xuất khẩu chè được dự báo sẽ khả quan hơn nhờ mức tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chè vì sức khỏe như chè xanh, chè thảo dược trước các diễn biến của đại dịch còn phức tạp như hiện nay.
3. Thủy sản
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6 năm 2020 ước đạt 667 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu thủy sản của Hà Tĩnh đạt gần 180 tấn thủy sản, giá trị gần 52 tỷ đồng với thị trường chính là Nhật Bản (ngoài ra còn có Trung Quốc, Đài Loan, EU, Hàn Quốc), thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (215 tấn có giá trị 58,5 tỷ đồng) và thấp hơn kế hoạch đầu năm.
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020, chiếm 58,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Nhật Bản đạt 541,94 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 486,09 triệu USD, giảm 4,7%; Trung Quốc đạt 379,46 triệu USD, giảm 2,1%; EU đạt 331,22 triệu USD, giảm 18,8%;. Bên cạnh đó, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất trong tháng là Nga tăng 163,2 % đạt 44,67 triệu USD.
Về nhập khẩu, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 6/2020 đạt 145 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 844 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,6%), Nauy (12%), Nhật Bản (9%). So với cùng kỳ năm 2019, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 từ Ấn Độ tăng 8,5%, Nhật Bản tăng 23,2%, trong khi nhập khẩu từ Nauy giảm 8,5%.
Một số nhận định và dự báo:
Nhìn chung trong nửa đầu năm nay, thị trường thủy sản thế giới trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, khiến xuất thủy sản sang Trung Quốc, Mỹ, EU, Brazil… sụt giảm. Theo dự báo mới từ các doanh nghiệp, khả năng giá tôm sẽ được duy trì ở mức tốt ngay đầu quý III, sớm một tháng so với hai năm gần đây do: Tồn kho các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản không nhiều. Các cường quốc nuôi tôm như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và thậm chí cả Thái Lan đều đang gặp khó khăn, nên theo dự đoán khả năng nguồn cung các nước này sẽ giảm ở mức từ 20% trở lên. Vì vậy, dù nhu cầu có thể suy giảm, nhưng mức giảm vẫn thấp hơn so với nguồn cung, nên khả năng giá tôm tiếp tục duy trì ở mức tốt cho người nuôi.
NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN