Contentverzamelaar
Đợt mưa lũ lớn vừa qua đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp , trong đó, số lượng gia súc gia cầm bị chết là khá nhiều . Sau lũ lụt, nhiều loại chất thải rắn còn tồn ứ trong môi trường, cộng với khí hậu ẩm ướt, là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm phát sinh. Vì vậy, công tác phòng chống đang được các địa phương, ngành chức năng chú trọng, tổ chức thực hiện khẩn trương, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà có tổng đàn trâu bò: 950 con, đàn lợn 1.968 con, đàn gia cầm 110.000 con. Bước vào mùa mưa bão, xã Thạch Văn đã chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi chủ động kiểm tra, gia cố chuồng nuôi, bảo đảm chắc chắn để phòng, chống bão, lụt. Có giải pháp ứng phó trong các trường hợp xảy ra úng ngập, để di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị ngập úng. Tuy nhiên trong đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua, do nước lũ lên quá nhanh nên một số thôn bị ngập sâu, nhất là thôn Nam Văn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống.
Ông Bùi Văn Minh (thôn Nam Văn, xã Thạch Văn) đang phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi sau mưa lũ
Gia đình ông Bùi Văn Minh, thôn Nam Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch có 6 ô chuồng nuôi lợn, trong đó có 3 ô lợn nái và 3 ô lợn thịt với tổng đàn gần 30 con. Ông Minh cho biết: “Khi nước lũ dâng cao gia đình ông đã dùng ván kê lên thành chuồng và đưa toàn bộ số lợn lên nên không bị ngập. Sau khi nước lũ rút, được sự hỗ trợ của cán bộ Thú y xã, gia đình đã tập trung thu gom toàn bộ bùn đất, phân, chất thải, rác thải, quét dọn, lau chùi tại khu vực chuồng nuôi và khu vực tiếp giáp xung quanh; rắc vôi, cho rác thải vào hố ủ phân. Sau đó, tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh liên tục 2 ngày/ 1 lần bằng thuốc Benkocid để ổn định khu chăn nuôi. Những ngày này, tôi phải thường xuyên chăm sóc và theo dõi tình hình sức khỏe đàn lợn của gia đình để phát hiện và xử lý kịp thời nếu lỡ có dịch bệnh gì xảy ra”.
Ông Trương Doãn Đại, Thú y viên xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà cho biết:Ngay sau khi nước rút cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vi-ta-min và các khoáng chất cần thiết cho vật nuôi. Tổ chức thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định. Khi nước rút hết phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi… Ðây là những biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, bảo đảm an toàn môi trường chăn nuôi.
Là địa phương có đàn gia súc gia cầm lớn nhất tỉnh, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện Cẩm Xuyên có hơn 400.000 con gia súc, gia cầm bị chết và bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ đã làm xác động vật chết và nguồn nước thải chăn nuôi tràn cả ra ngoài môi trường, cùng với thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Không chỉ thế, Cẩm Xuyên còn là địa phương hàng năm thường xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch H5N1 ở gia cầm, nên ngay sau mưa lũ, công tác phòng chống dịch bệnh đã được các địa phương ngập lụt của huyện Cẩm Xuyên chủ động triển khai với nhiều biện pháp. Ông Phan Vĩnh Toàn - Trung tâm Ứng dụng KHKT&CTVN huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Trong đợt này, huyện đã phân bổ gần 5.000 lít hóa chất về các địa phương để tiến hành phun sát trùng tại khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn. Tuy nhiên do thời tiết đang có mưa; nhiều nơi nước vẫn chưa rút hết nên việc phun tiêu độc khử trùng còn gặp khó khăn dẫn đến đã xuất hiện một số bệnh trên đàn vật nuôi sau mưa lũ”.
Công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi được các địa phương chủ động triển khai
Với tình hình thời tiết mưa ẩm như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh . Trong đó, loại dịch bệnh dễ xuất là tụ huyết trùng và cúm gia cầm; bệnh tả ở vịt; lở mồm long móng ở trâu, bò; dịch tả ở đàn lợn. Ở huyện Can Lộc, đã xuất hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi tại xã Mỹ Lộc đã làm đàn lợn của Trần Bá Quý thôn Đô Hành và ông Trần Lương tại thôn Nhật Tân (xã Mỹ Lộc) bị chết. Ngay sau khi dịch xuất hiện, xã đã chỉ đạo hướng dẫn người dân rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh chuồng trại ít nhất mỗi ngày 2 lần, thường xuyên tuyên truyền diễn biến của dịch trên loa phát thanh. Đồng thời, vận động hộ nuôi tự giác thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng chống dịch.
Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ vừa qua, hơn 9.400 con gia súc 798.800 con gia cầm các loại bị chết, hoặc bị cuốn trôi. Mưa lũ kéo dài đã làm cho môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng lo ngại là các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là là dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng đã xuất hiện sau mưa lũ. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cán bộ thú y các huyện, thị, thành phố xuống cơ sở thống kê thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Khẩn trương tiến hành thu gom xác gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi, tập kết để đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định; khẩn trương cấp phát hóa chất dự phòng cho các hộ dân để tiến hành phun khử trùng tiêu độc.
Ngoài các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm sau mưa lũ, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học. Đây là được xem giải pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất. Người nuôi cần theo dõi tình hình, chủ động thực hiện các biện pháp phòng và ứng phó trong các tình huống, đặc biệt, không mua con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiêm vắc - xin đầy đủ, đảm bảo nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương để kiểm tra xử lý triệt để tránh lây lan dịch bệnh./.
Nguyễn Hoàn