Navigatie menu

Contentverzamelaar

angle-left DỰ BÁOTình hình dịch hại trên một số cây trồng vụ Xuân 2021

Để chủ động trong công tác phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng vụ Xuân 2021,Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh dự báo thời điểm phát sinh gây hại một số đối tượng dịch hại chủ yếu như sau:

 

1. Trên cây lúa:

 

          1.1. Ốc bươu vàng: Phát sinh gây hại ngay từ đầu vụ, hại nặng cục bộ trên những chân ruộng sâu trũng tại một số địa phương giai đoạn lúa 2-3 lá đến đẻ nhánh. Cần chủ động triển khai phòng trừ ốc ngay từ thời điểm làm đất bằng các biện pháp thủ công, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sau thời điểm xuống giống để có biện pháp xử lý nhằm hạn chế thiệt hại do ốc gây ra.

  1.2. Bọ trĩ, ruồi đục nõn: Thường gây trên mạ và lúa gieo thẳng giai đoạn 2 - 3 lá đến kết thúc đẻ nhánh. Cao điểm gây hại từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, hại nặng trên trà lúa gieo cấy muộn, ruộng thiếu nước, trên các giống lúa lai.

1.3. Bệnh đạo ôn: Gây hại từ giai đoạn mạ đến trổ chín, cao điểm gây hại của bệnh trên lá xung quanh thời điểm 25/2 đến 20/3 trùng với giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ - phân hóa đòng, thời điểm này nếu thời tiết âm u, có mưa phùn kết hợp với bón phân không cân đối bệnh sẽ phát sinh gây hại nặng. Ngoài ra đây là nguồn bệnh gây hại trên cổ bông giai đoạn lúa trổ bông - ngậm sữa, cần chủ động các biện pháp phòng trừ bệnh ngay từ khi mới phát sinh, đặc biệt trên các giống nhiễm bệnh như: Nhóm giống X, P6, BQ, VTNA6, Bắc hương 9, J02,…đồng thời chủ động phun phòng trừ bệnh trên cổ bông giai đoạn lúa trổ vè và sau khi lúa trổ 5-7 ngày, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra.

Triệu chứng bệnh đạo ôn hại lá

          1 .4. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Tích lũy số lượng từ giai đoạn lúa đẻ nhánh, nhân nhanh số lượng giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh trở đi và phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa làm đòng đến chín sáp; từ giữa tháng 3 vào giai đoạn lúa đứng cái đến đầu tháng 4 rầy có khả năng gây hại nặng cục bộ trên các giống nhiễm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Từ 10/4 trở đi rầy phát sinh gây hại với mật độ cao, diện phân bố rộng và có thể gây cháy trên diện rộng, nhất là đối với những vùng không chủ động nước, gieo cấy các giống lúa nhiễm rầy như Xi23, NX30, P6,  Xuân mai 12, Khang dân 18, ADI 168,...    

          1.5. Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại chủ yếu trên trà Xuân muộn, hại nặng trên các giống có bộ lá xanh mượt, có hiện tượng thừa đạm từ giai đoạn lúa đẻ nhánh, cao điểm gây hại từ 25/3 trở đi, nếu không được phòng trừ kịp thời có khả năng sẽ gây hại nặng giai đoạn cuối vụ.

1.6. Sâu đục thân hai chấm: Phát sinh gây hại từ thời điểm lúa đẻ nhánh trở đi, hại nặng trên các trà trổ muộn, ruộng xanh tốt, ruộng ven làng, cần thực hiện tốt công tác dự tính dự báo để chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

1.7. Bệnh đốm nâu: Phát sinh gây hại giai đoạn lúa đứng cái-làm đòng tập trung trên các giống VTNA2, HT1,… hại nặng trên vùng đất cát ven biển, đất chua phèn, nghèo dinh dưỡng, chế độ chăm sóc không đúng quy trình. Chủ động phòng bệnh bằng hình thức bón bổ sung phân hữu cơ, bón cân đối các yếu tố dinh dưỡng, duy trì chế độ nước hợp lý.

 

Triệu chứng rầy nâu gây hại lúa

  1.8. Bệnh khô vằn: Thường gây hại nặng vào giai đoạn lúa làm đòng – trổ đến chín sáp. Nhiệt độ, độ ẩm cao, nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại mạnh, đặc biệt trên chân ruộng sâu trũng, gieo cấy dày, bón thừa đạm.

1.9. Bệnh bạc lá: Phát sinh gây hại giai đoạn đòng già đến chín, hại nặng trên các giống lúa lai, Khang dân, Bắc thơm 7… bệnh gây hại nặng trên các chân ruộng sâu trũng, bón thừa đạm. Chú ý trên những diện tích thường xuyên bị bệnh cần chủ động phun phòng sau các đợt mưa lớn có thể gây tổn thương bộ lá.

1.10. Bệnh lùn sọc đen Phương Nam: Là bệnh do virus gây ra, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Bệnh thể hiện triệu chứng điển hình từ giai đoạn phân hóa đòng, tuy nhiên mẫn cảm nhất là từ giai đoạn mạ đến đẻ nhánh rộ.  Ngay từ đầu vụ sản xuất, tiến hành thu mẫu rầy, mẫu lúa để phân tích giám định nguồn vi rút bệnh lùn sọc đen Phương Nam nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

Ngoài các đối tượng dịch hại chính gây hại trên lúa cần chú ý một số đối tượng như: Nhện gié, châu chấu, rầy xanh đuôi đen, bệnh thối thân, thối bẹ, ngộ độc hữu cơ…

          2. Trên cây lạc:

2.1. Sâu xanh, sâu khoang : Gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc, cao điểm gây hại từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 vào thời kỳ lạc ra hoa, đâm tia - phát triển quả.

2.2. Bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng, mốc xám: Bệnh phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ trung bình, ẩm độ cao, gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc, cao điểm gây hại từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, trùng vào giai đoạn lạc 2-3 lá đến phân cành. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, trời âm u, sương mù nhiều.

3. Trên cây ngô:

3.1. Sâu keo mùa thu: Là đối tượng có sức gây hại lớn, mức độ nhân số lượng nhanh và gối lứa liên tục trên đồng ruộng. Vì vậy cần làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo để chủ động phát hiện và triển khai phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

3.2. Sâu xám: Thường gây hại ở tất cả các vùng trồng ngô vào giai đoạn cây con, sâu thường gây hại vào ban đêm, sâu tuổi 4 trở đi sâu phá mạnh có thể cắn đứt ngang thân ngô. Sâu thường hại nặng trên các vùng đồi trồng ngô có thành phần cơ giới nhẹ.

3.3. Sâu đục thân, đục bắp: Thời kỳ cây con sâu đục ăn  nõn ngô, khi cây đã lớn sâu đục vào thân, vào bắp làm cây dễ đổ ngã, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất. Sâu gây hại nặng giai đoạn ngô trổ cờ, phun râu đến hình thành bắp vào thời điểm trung tuần tháng 3 trở đi.

3.4. Rệp cờ: Phát sinh gây hại từ lúc ngô xoắn nõn đến trổ cờ, rệp hút dinh dưỡng làm cho cờ hoa không tung phấn được gây hiện tượng thiếu hạt phấn làm bắp ngô bị lép. Rệp gây hại trong điều kiện ẩm độ cao, mật độ gieo trỉa dày.

4. Trên cây ăn quả:

4.1. Sâu vẽ bùa, sâu nhớt, sâu xanh bướm phượng: Sâu gây hại quanh năm, tuy nhiên tập trung gây hại mạnh vào các đợt lộc, nhất là lộc Xuân. Để phòng trừ hiệu quả cần tiến hành vệ sinh vườn sau khi thu hoạch, chăm sóc, bón phân, tưới nước hợp lý để cho các đợt lộc ra tập trung, nếu mật độ sâu cao, tiến hành phun khi đợt lộc mới xuất hiện.

4.2. Bệnh loét, sẹo: Bệnh phát sinh gây hại quanh năm, hại nặng vào mùa mưa. Tuổi cây càng nhỏ càng dễ nhiễm bệnh nhất là vườn ươm ghép cây nhất là những vườn chăm sóc không đúng quy trình, nhiều cành tăm, cành vượt.

4.3. Nhóm nhện: Nhện phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, nhện gây hại làm rụng quả non, giai đoạn quả lớn nhện tích lũy mật độ cao gây hiện tượng rám quả, khi hại nặng có thể làm rụng quả.

4.4. Bệnh nứt thân xi mủ, vàng lá thối rễ: Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa, đặc biệt là những vườn canh tác lâu năm, thường xuyên bị ngập úng, điều kiện vệ sinh vườn kém, mật độ trồng dày ít được bón phân hữu cơ./.

 

TRỊNH THỊ GIANG - CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BVTV