Menu de Navegação

Publicador de Conteúdos e Mídias

Banner trái

Web Counter

Publicador de Conteúdos e Mídias

angle-left Triển vọng từ những  cây trồng mới

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, thời gian qua huyện Kỳ Anh không ngừng đẩy mạnh việc tìm kiếm, liên kết, phát triển các loại cây trồng mới cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Tháng 4/2024, gia đình anh Trần Văn Cường ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh đã cải tạo đất đồi trồng hơn 2,5 ha dứa liên kết với Công ty CP Xuất khẩu đồng Giao (tỉnh Ninh Bình), được Công ty hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên anh yên tâm sản xuất. Hiện nay sau gần 4 tháng chăm sóc, dứa phát triển khá tốt.

 

 

Anh Cường cho biết, từ khi trồng đến nay, cây dứa sinh trưởng phát triển rất tốt, cho thấy phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở vùng này. Cây dứa có thời gian từ khi trồng đến thu hoạch lứa thứ nhất phải mất  14 – 16 tháng, sau 10 tháng tiếp theo sẽ cho thu hoạch lứa thứ hai. Qúa trình sản xuất khá yên tâm do có công ty bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật. Hiện nay, anh đang làm đất chuẩn bị trồng thêm 3,5 ha dứa tại vùng này.

Dù hiện nay, chưa vào thời điểm thu hoạch, tuy nhiên, mô hình trồng dứa cũng góp phần tạo thu nhập ổn định cho khoảng 3-5 lao động thời vụ trên địa bàn với mức thu nhập khoảng 250.000 – 300.000 đồng/người/ngày.

          Cùng với phát triển diện tích trồng dứa, huyện Kỳ Anh còn  khuyến khích các hộ dân trên địa bàn trồng thử nghiệm ớt chỉ thiên theo hướng liên kết với công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp xanh Hà Tĩnh. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 65ha loại ớt chỉ thiên tập trung ở Kỳ Thọ, Kỳ Xuân, Kỳ Sơn, Kỳ Tây.

 

 

 

Là người đầu tiên trồng ớt chỉ thiên trên địa bàn huyện với quy mô lớn, anh Nguyễn Thừa Trình (xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh) chia sẻ:  Nhận thấy giống ớt chỉ thiên thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương, đầu năm 2024, tôi đã mạnh dạn thuê đất, trồng hơn 32ha ớt chỉ thiên tại các xã trên địa bàn huyện Kỳ Anh, với kỳ vọng  sẽ tạo hướng đi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn.

Theo kinh nghiệm và phương pháp trồng ớt của anh Trình, ngoài việc chọn thổ nhưỡng phù hợp, địa điểm trồng ớt phải bảo đảm thoát nước tốt, kín gió nhằm tránh mưa bão gây thiệt hại cây trồng. Trước khi trồng ớt, đất phải được cày xới tơi xốp, phơi 10 - 15 ngày và làm sạch cỏ, bón lót phân, sau đó tiến hành lên luống cao khoảng 35cm, mỗi luống rộng 65cm. Ớt gieo từ 35 - 40 ngày (khoảng 7 - 8 lá) thì đem cây con ra trồng; khoảng cách trồng giữa các cây từ 30 - 40cm. Thời gian ớt cho thu hoạch hơn 4 tháng.

“Giống ớt chỉ thiên dễ trồng, dễ chăm sóc,  khi lên tầng trên trái vẫn to, bóng, đỏ đẹp, trái vừa, độ cay vừa phải đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tốt, nhất là thuận lợi cho việc thu hoạch. Ngoài ra, giống ớt này chống chịu bệnh tốt hơn các giống khác, đặc biệt là khả năng chống chịu bệnh héo xanh vi khuẩn - là bệnh nguy hiểm nhất đối với cây ớt hiện nay. ”. Anh Trình cho biết thêm.

 

 

Điều đáng nói, hiện nay, toàn bộ ớt quả đều được Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ nông nghiệp xanh Hà Tĩnh thu mua với giá 16000đồng/kg, để phục vụ xuất khẩu  sang Hàn Quốc và các nước Trung Đông, nên anh rất phấn khởi và an tâm sản xuất. Theo tính toán của anh Trình qua vụ sản xuất đầu tiên, mỗi ha mang lại thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Dựa trên các tiềm năng lợi thế vùng sinh thái, huyện Kỳ Anh đã phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó đã thử nghiệm trồng các loại cây mới theo hướng liên kết với doanh nghiệp nhằm đa dạng sản phẩm chủ lực của địa phương, đồng thời chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn huyện đã có 91 ha lúa, 73ha cam bưởi, 39ha chè, 15ha ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh cho biết: Qua thực tiến đánh giá cho thấy, đối với những loại cây trồng mới được đưa vào trồng trên địa bàn huyện đang mang lại những tín hiệu cực, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật để nhân rộng.Về phía trung tâm sẽ hỗ trợ bà con kỹ thuật sản xuất theo quy trình quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ) để tạo sản phẩm chất lượng.

Để các mô hình phát triển bền vững, chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn của huyện xã thường xuyên hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, ứng dụng  khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến, và kết nối với các doanh nghiệp, HTX hình thành chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho người dân./.

Nguyễn Hoàn

Publicador de Conteúdos e Mídias

Publicador de Conteúdos e Mídias

Publicador de Conteúdos e Mídias