Publicador de Conteúdos e Mídias
Sâu keo mùa thu có tên khoa học Spodoptere frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea) là loài sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4 năm 2019. Đây là loài sâu đa thực, phàm ăn, có khả năng di trú xa, phát tán mạnh, gây hại nặng cho ngô và các loại cây trồng khác như lúa, lạc, rau,…Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 7/2019, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích nhiễm 14.893 ha, nhiễm nặng 1.254 ha, tập trung chủ yếu các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, diện tích nhiễm toàn vùng 336ha, trong đó tại Hà Tĩnh: Từ giữa tháng 4/2019, sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại trên ngô Xuân giai đoạn 7-9 lá, mật độ trung bình 5-7con/m2, nơi cao 15-20con/m2, diện tích nhiễm 22ha, hại nặng trên giống HN68, HN88,…tại xã Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Giang huyện Kỳ Anh; từ trung tuần tháng 7/2019, sâu keo mùa thu phát sinh gây hại tại xã Gia Phố, Hương Vĩnh (Hương Khê), Sơn Kim, Sơn Tây (Hương Sơn), Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), mật độ trung bình 5 - 7 con/m2, nơi cao 10 - 15 con/m2, diện tích nhiễm 30ha, trên các giống NH68, NK7328, CP511, CP11,... Để chủ động phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu, cần sử dụng các biện pháp quản lý sau:
1. Biện pháp canh tác
- Làm sạch cỏ dại xung quanh vùng trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu;
- Những vùng chủ động thủy lợi có thể luân canh ngô - lúa ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất, làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất.
2. Biện pháp thủ công
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3- 7 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy;
- Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.
3. Biện pháp sinh học
Hạn chế sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu như: Ong ký sinh, bọ đuôi kìm,…
4. Biện pháp bẫy
Bẫy bả, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để tiêu diệt trưởng thành.
- Cách làm bẫy chua ngọt
Nguyên liệu: 4 phần mật mía (đường) + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước.
Ngâm ủ: Cho các loại nguyên liệu trên vào khuấy kỹ để dung dịch tan đều sau đó đem ủ kín trong can nhựa, lu, vại, hoặc dụng cụ khác có nắp đậy trong 3 - 4 ngày, khi dung dịch có mùi thơm thì đem dùng.
Pha 5ml thuốc trừ sâu vào 1,5 lit dung dịch chua ngọt, nên chọn thuốc vị độc, không mùi.
Dùng giẻ, bông tẩm dung dịch bả độc hoặc rót dung dịch bả độc vào các đĩa, cốc, lọ nhựa rộng miệng (sao cho trưởng thành bay vào hút dịch và bay ra được) che chắn không để nước mưa rơi vào làm loãng bả độc.
Đặt bẫy: Đặt bẫy trước khi trồng ngô, trong vụ và kể cả sau khi thu hoạch ngô để diệt trưởng thành. Khi ngô mới trồng có thể đặt bẫy trực tiếp trên mặt ruộng; khi ngô cao nên đặt bẫy cao hơn mặt tán lá ngô trên ruộng (7-10cm), số lượng bẩy 40-60 bẫy/ha.
- Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng trồng ngô trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so với thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.
5. Biện pháp hóa học
Căn cứ kết quả phun trình diễn thuốc trừ sâu keo mùa thu hại ngô tại huyện Hương Khê, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bước đầu khuyến cáo nhóm hoạt chất để xử lý sâu keo mùa thu như sau: Indoxacap, Lufenuron, spinetoeam, các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Clever 150SC, Agfan 15EC, Obaone 95WG, Match 50EC, Radiant 60SC.
Lưu ý: Nồng độ, liều lượng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì, tuy nhiên tùy vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây ngô để tăng lượng thuốc trên đơn vị diện tích.
PHÒNG BẢO VỆ THỰC VẬT – CHI CỤC TT&BVTV