SÂU BỆNH, DỊCH BÊNH
Hiện nay, lúa Hè Thu giai đoạn cuối đẻ nhánh, bước vào thời kỳ phân hóa đòng. Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên và kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại xã Cẩm Hưng, Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh trên giống lúa XM12, KD18 xuất hiện cục bộ hiện tượng vàng từng khóm, lá vàng bắt đầu từ những lá phía dưới, vàng từ mép lá và chóp lá trở vào, lá nõn xanh, những cây bị nặng lá ngoài bị héo, bộ rễ kém phát triển có màu đen, trên số diện tích này, mật độ rầy xanh đuôi đen 50-100 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2. Ngày 27/6/2020 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu 4 lấy mẫu lúa tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) phân tích, giám định ELISA-DOT-BLOT, kết quả phân tích dương tính với vi rut Rice yellow stunt virus (RYSV) gây bệnh vàng lá di động. Thời gian tới bệnh có khả năng tiếp tục phát sinh gây hại và lây lan. Để chủ động trong công tác phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh vàng lá di động gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số giải pháp kỹ thuật như sau:
1. Triệu chứng bệnh và tác nhân gây bệnh
- Triệu chứng bệnh: Khi nhiễm bệnh cây có triệu chứng lùn, lá biến vàng, đẻ nhánh kém, lá bị vàng bắt đầu từ đỉnh lá và mép lá trở vào, trên cây các lá phía dưới biến vàng trước sau đó lan lên các lá phía trên, lá non thường có màu xanh nhạt lốm đốm hoặc thành sọc dài ngắn khác nhau chạy song song với gân lá, bộ rễ kém phát triển, có màu đen.
Cây lúa bị bệnh sớm và nặng có thể lụi chết trước khi trỗ, nếu bị nhiễm bệnh muộn thì mức độ bệnh nhẹ, phát triển đến trỗ bông nhưng trỗ muộn, bông lúa nhỏ, nhiều hạt lép và thường trỗ không thoát, cây nhiễm bệnh muộn có thể không biểu hiện triệu chứng trước khi thu hoạch nhưng cây lúa chét mọc lên thường biểu hiện bệnh rõ rệt từ đầu. Nếu bệnh nhẹ và được chăm sóc phòng trừ kịp thời thì có thể hồi phục và cho năng suất bình thường.
- Tác nhân gây bệnh: Do vi rut Rice yellow stunt virus (RYSV)
- Môi giới truyền bệnh: Rầy xanh đuôi đen
2. Một số biện pháp phòng trừ
- Khi phát hiện ruộng lúa bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ bỏ những cây bị bệnh đem tiêu hủy (vùi sâu xuống bùn tại ruộng hoặc phơi khô đốt) để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng.
- Phòng trừ rầy xanh đuôi đen (môi giới truyền bệnh): Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện rầy xanh đuôi đen, khi phát hiện có rầy, tiến hành khoanh vùng, phun trừ ngay trên ruộng nhiễm bệnh và các ruộng xung quanh bằng một trong các loại thuốc sau: Chess 50WG, Bassa 50E, Sutin 5EC, Actara 25WG, …
- Chăm sóc: Điều tiết nước thích hợp từ 3-5 cm, những ruộng chủ động nước có thể áp dụng hình thức tưới Nông - Lộ - Phơi để tăng độ thoáng khí trong đất và giải phóng các khí độc như CH4, H2S,… Bổ sung thêm phân bón để tăng khả năng hút dinh dưỡng cho cây lúa như: ATONIK 1.8 SL, Bom flower-N, Tora 1.1SL, Rice Holder 0,0075Sl,…
3. Tăng cường công tác điều tiết nước, đảm bảo đủ nước cho lúa Hè Thu sinh trưởng - phát triển, thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để tăng khả năng kháng bệnh; theo dõi diễn biến của rầy xanh đuôi đen để chủ động phòng trừ.
Bên cạnh bệnh vàng lá di động cần theo dõi chặt chẽ diễn biễn của rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, chuột…để chủ động phòng trừ, đảm bảo an toàn sản xuất./.
PHÒNG BẢO VỆ THỰC VẬT - THANH TRA