CHUYÊN MỤC

ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

Banner trái

THỐNG KÊ

Banner giữa

SẢN XUẤT VÀ THỊ TRƯỜNG

angle-left Tình hình an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2022

6 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan như: Thông tin được cập nhập tới các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được tiếp cận các thông tin về an toàn thực phẩm; vai trò của các cấp chính quyền được đề cao, sự phối hợp liên ngành được tăng cường và có hiệu quả; các văn bản chỉ đạo điều hành được ban hành kịp thời, sát thực tế; các hoạt động triển khai khá đồng bộ; kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn được triển khai đồng bộ và quyết liệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, công khai kịp thời các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; giám sát phát hiện nguy cơ được duy trì, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các sự kiện, hội nghị diễn ra trên điạ bàn.

Kết quả cụ thể:

1 . Công tác thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm

Công tác truyền thông, giáo dục luôn được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng và phong phú đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả góp phần tích cực đến hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Một số hoạt động đã được triển khai trong 6 tháng đầu năm 2022, cụ thể như:

- Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với UBND huyện Lộc Hà tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại huyện Lộc Hà với gần 200 đại biểu tham dự.

- Tổ chức 22 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 1.650 người tham dự; 32 buổi nói chuyện, 710 người nghe.

- Thông tin được 6.611 lượt phát thanh thông điệp bảo đảm an toàn thực phẩm qua hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn; phát sóng chuyên đề, tin bài trên đài phát thanh truyền hình 181 lượt; 384 tin bài về an toàn thực phẩm trên các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đơn vị và nhiều đợt tuyên truyền lưu động tại các địa phương.

- Xây dựng 455 băng rôn, băng phướn, khẩu hiệu; 738 băng đĩa thu âm các thông điệp truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm trong đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dấn 2022, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; 54.807 tờ rơi, áp phích …

- Ký cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại đối với trên 800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

- Ngoài ra trong quá trình kiểm tra, giám sát kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, trong sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm như hồ sơ hành chính pháp lý về an toàn thực phẩm, điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và con người,  quy định về đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ, nhãn mác hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…

2 . Công tác thanh tra, kiểm tra , xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

- 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập 359 đoàn kiểm tra (tuyến tỉnh: 15; tuyến huyện: 27, tuyến xã: 317). Đã tiến hành kiểm tra 6.619 cơ sở, phát hiện 362 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm chiếm 5,5%, phạt tiền 303 cơ sở (chiếm 83,7% số cơ sở vi phạm) với số tiền phạt hơn 550 triệu đồng (Sở Y tế kiểm tra 216 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 4 cơ sở, hơn 22 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn kiểm tra 140 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 15 cơ sở, hơn 78 triệu đồng; Sở Công Thương kiểm tra 4 cơ sở; Công an tỉnh phát hiện 143 vụ, 149 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 122 vụ, gần 190 triệu đồng; Cục Quản lý thị trường phát hiện và xử lý 71 vụ, hơn 120 triệu đồng; tuyến huyện, xã kiểm tra 6.045 cơ sở, phát hiện và xử lý hành chính 91 cơ sở, hơn 140 triệu đồng); tịch thu tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm có giá trị cao (2842,8kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ , không đảm bảo an toàn và một số hàng hóa vi phạm khác….). Các lỗi vi phạm chủ yếu: Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sử dụng người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang. Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

- Kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa điểm diễn ra lễ hội Xuân như: Đền Củi, chùa Hương tích, Đền Bà Hải...và các sự kiện, hội nghị diễn ra trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm trước và trong thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022...

- Tham gia đoàn giám sát của đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ và TP Hà Tĩnh.

3 . Công tác kiểm soát mối nguy; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm

- Để kiểm soát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, các ngành chức năng Y tế, Nông nghiệp, Công Thương và các địa phương đã tiến hành lấy 2.104 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng, nguyên liệu chế biến thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả có 2.072/2.104 mẫu được xét nghiệm đạt các chỉ tiêu về chất lượng an toàn thực phẩm, chiếm tỷ lệ 98,5% (các mẫu không đạt chủ yếu là độ sạch bát đĩa, dầu mỡ chiên rán và phẩm màu…).

- 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm (Xảy ra tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Số người mắc; 04, nguyên nhân gây NĐTP: không rõ nguyên nhân); số người mắc 04 người; không có trường hợp tử vong. Số ca ngộ độc lẻ tẻ: 406 ca. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, địa phương đã tiến hành điều tra, xử lý và báo cáo cấp trên theo quy định.

4 . Công tác cấp các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã cấp 288 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm trên toàn tỉnh (Sở Công Thương cấp 7 giấy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế cấp 15 giấy, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp 19 giấy; tuyến huyện cấp 247 giấy); tiếp nhận 24 bản tự công bố sản phẩm (Sở Y tế 11 hồ sơ, Sở Công Thương 10 hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 hồ sơ) của tổ chức, cá nhân để lưu trữ và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các sở, ngành theo đúng quy định. Các hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý đảm bảo đúng thời gian quy định theo thủ tục hành chính.

5 . Các hoạt động khác liên quan đến an toàn thực phẩm

- Công tác quản lý giết mổ, kiểm dịch gia súc, gia cầm: Gia súc vào lò giết mổ được kiểm soát giết mổ đầy đủ theo quy định, bình quân trên 70% đối lợn và trên 80% đối với trâu bò. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã kiểm tra và cấp 2.845 giấy kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

- Tiếp tục thông qua các Chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm lồng ghép hỗ trợ, phát triển, mở rộng các vùng/cơ sở sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống có 451 cơ sở được chứng nhận đạt VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP, ISO… gồm: 401 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 2.524,61ha cây trồng các loại; 24 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 16 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 06 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP; 04 cơ sở chế biến giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO.  Lũy kế đến tháng 6/2022 có 25 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận với các sản phẩm: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, rau củ quả, chè, nhung hươu, thủy sản, gạo…

- Các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” phát triển tốt và có những chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đến nay có 249 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức đánh giá đạt từ 3 sao trở lên (gồm 14 sản phẩm đạt 4 sao và 235 sản phẩm đạt 3 sao).

- Tổ chức Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh năm 2022 trong tháng 01/2022. Hội chợ thu hút 19 địa phương, đơn vị tham gia với 100 gian hàng, trong đó có 57 gian hàng sản phẩm nông nghiệp, 21 gian hàng sản phẩm thủy hải sản, 22 gian hàng sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật nhưng lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn còn những tồn tại hạn chế, cụ thể:

- Sản phẩm nông nghiệp thường theo mùa vụ nên các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận, nhất là các sản phẩm dạng tươi sống, không qua chế biến cũng tồn tại theo mùa vụ trên thị trường làm gián đoạn tiêu dùng;

- Nguồn lực bố trí cho công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng; cán bộ hoạt động kiêm nhiệm, thiếu ổn định, chưa được tập huấn thường xuyên để nâng cao nghiệp vụ.

- Việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm chưa được triệt để, đặc biệt tại tuyến xã, phường, thị trấn.

NHƯ QUỲNH - CHI CỤC QLCL NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN

Liên hệ


SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ TĨNH 
Địa chỉ liên hệ: Số 04 - Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thành phố Hà Tĩnh - Hà Tĩnh. 
Website : http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn ; Email: sonongnghiep@hatinh.gov.vn ; Điện thoại : 0239 3855598 - Fax : 0239.3856991 

Xuất bản thông tin

Tìm kiếm