Navigation Menu

Xuất bản thông tin

angle-left Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP

Trong vụ xuân vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã liên kết với doanh nghiệp thực hiện thành công mô hình lúa Viet Gap tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên. Hiệu quả mang lại khi thực hiện mô hình thể hiện rõ trong cả quá trình sản xuất, từ việc đảm bảo thời vụ gieo trồng, thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo đúng từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; giảm được lượng lúa giống, giảm chi phí phân bón và hạn chế được việc sử dụng cũng như sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật,…từ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 Trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, mỗi năm người dân sản xuất hai vụ lúa với tổng diện tích hơn 18.000 ha, năng suất lúa đạt từ 4,5 đến 6 tấn/ 1 ha. Vụ xuân năm 2020, trên cánh đồng  xã Cẩm Bình bà con nông dân đã tiếp cận được mô hình sản xuất lúa Vietgap và được doanh nghiệp thu mua  toàn bộ sản phẩm lúa sau thu hoạch. Mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn Vietgap được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại Thôn Tân An và thôn Đông Trung xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, trên diện tích 30ha, với 75 hộ tham gia. Các hộ sử dụng giống chất lượng Bắc Hương 9 xác nhận 1, áp dụng phương pháp gieo thẳng. Kết quả, năng suất lúa mô hình ước đạt trên 56 tạ/1 ha, cao hơn năng suất lúa đối chứng 4 tạ/1 ha.

Ông Nguyễn Văn Được, thôn Tân An (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Vụ lúa vừa rồi, gia đình tôi có 3 sào nằm trong vùng quy hoạch sản xuất lúa Vietgap. Mặc dù vụ sản xuất năm nay gặp nhiều khó khăn về thời tiết và sâu bệnh, nhưng được tiếp cận làm lúa theo quy trình VietGAP nên 3 sào lúa của gia đình phát triển tốt, sau khi thu hoạch đạt năng suất gần 3 tạ/sào”.

Việc xây dựng mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng qua việc ghi chép nhật ký, thực hiện quy trình sản xuất an toàn. Trước khi tham gia mô hình, bà con chưa biết cách sử dụng phân, thuốc đúng loại, đúng thời điểm. Sau khi tham gia mô hình, bà con đã biết nên bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  đúng thời điểm và đúng liều lượng hơn. Bên cạnh đó bà con cũng ý thức được việc không vứt vỏ chai thuốc bừa bãi ngoài ruộng như trước mà áp dụng kỹ thuật rửa bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng và thu gom đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Đơn vị tư vấn cùng cán bộ kỷ thuật Trung tâm Khuyến nông đánh giá kết quả mô hình tại đồng ruộng

Trong quá trình triển khai mô hình, đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Công nghệ NHONHO đã thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá quá trình thực hiện quy trình sản xuất của người dân. Qua kiểm tra, đơn vị tư vấn đã đánh giá cao sự tuân thủ  nghiêm túc của người sản xuất từ khâu sản xuất ngoài đồng ruộng đến khâu bảo quản và sử dụng thuốc BVTV tại nhà.

        Là một trong hai thôn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn làm điểm để xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP trong vụ xuân năm 2020, bà con nông dân thôn Tân An xã Cẩm Bình rất vui mừng, phấn khởi. Ngoài những gì nhìn thấy ngay được trên đuồng ruộng thì lợi ích thực chất mà quy trình sản xuất lúa VietGAP này mang lại đằng sau đó chỉ có những người nông dân trực tiếp làm mới biết.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Tân An (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) một người đã gắn bó với cây lúa từ nhiều năm nay, ông đã đánh giá: Là một cán bộ thôn, nhiều năm cùng bà con lăn lộn với cây lúa, nhưng từ khi tham gia mô hình này, tôi cũng như bà con nơi đây rất phấn khởi bởi được mở mang hiểu biết của mình trong canh tác cây lúa. Áp dụng quy trình sản xuất lúa theo VietGAP, bà con nông dân được hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, bón phân cân đối, sử dụng thuốc BVTV đúng cách nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng; mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh thấp hơn, nhờ đó giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất và mang lại lợi nhuận cao hơn.

Rõ ràng, việc xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Chất lượng lúa gạo cũng nhờ đó được nâng lên, giá trị chắc chắn cũng cao hơn thông qua đơn vị liên kết thu mua.

          Thông qua mô hình, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã kết nối, tư vấn và ký kết hợp đồng thu mua tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Cụ thể  Công ty TNHH Một thành viên KC Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát quy trình sản xuất, chăm sóc của bà con nông dân theo chuẩn VietGap. Cuối chuỗi, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân.

          Để đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo, Trung Tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức Hội thảo, tổng kết đánh giá mô hình. Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá rất cao những kết quả đạt được và trao giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha sản xuất lúa của hai thôn Tân An và Đồng Trung, xã Cẩm Bình huyện Cẩm Xuyên. Đây là  tiền đề để nhân rộng và tạo sức lan tỏa mô hình sản xuất lúa VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, hình thành những vùng sản xuất được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt, các biện pháp kỹ thuật dựa trên quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, kỹ thuật IPM. Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở và các hộ nông dân, dần thay đổi quan điểm, nhận thức trong công tác chỉ đạo, điều hành của cán bộ địa phương theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh