Xuất bản thông tin
Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành diện tích gieo cấy vụ hè thu, một số trà lúa như ở huyện Kỳ Anh, Nam Cẩm Xuyên, Bắc Thạch Hà đã bước vào thời kỳ đẻ nhánh, bắt đầu kỳ sinh trưởng đầu tiên. Đây cũng là giai đoạn cây lúa nhạy cảm với nhiều loại sâu bệnh tấn công, trong đó rầy lưng trắng là đối tượng đã xuất hiện và gây hại trên nhiều diện tích lúa của bà con.
Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và các địa phương, hiện tại, Rầy lưng trắng xuất hiện rải rác ở Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên); Thạch Thắng, Tượng Sơn, Thạch Văn (Thạch Hà); mật độ trung bình 10 - 20 con/m2, nơi cao 40 - 50 con/m2, rầy chủ yếu tuổi 1, trưởng thành.
Vụ hè thu 2020, dự báo sẽ phát sinh gây hại 3 lứa, trong đó lứa đầu tiên phát sinh và tích lũy số lượng vào giai đoạn đẻ nhánh (từ 20 - 30/6). Tuy nhiên, mức độ gây hại, diện phân bố không lớn nhưng đây chính là nguồn môi giới truyền bệnh vi-rút lùn sọc đen Phương Nam. Đồng thời là nguồn rầy cho các lứa tiếp theo, giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng (10 - 30/7) và lúa trổ bông, chín (10/8 - 10/9). Vì vậy, để hạn chế thấp nhất sự gây hại của rầy lưng trắng, xin hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng như sau:
1. Đặc điểm sinh học của rầy lưng trắng:
* Đặc điểm hình thái:
- Trứng rầy lưng trắng có dạng "quả chuối tiêu" như trứng rầy nâu nhưng nhỏ, dài và nhọn hơn. Rầy đẻ trứng thành từng ổ theo chiều dọc, chìm trong bẹ hoặc gân chính của lá, mỗi ổ 2-7 quả.
- Rầy non mới nở có màu trắng đục, đến tuổi 3 xuất hiện các vệt vằn trên lưng.
- Rầy trưởng thành có màu đen nâu với một dải trắng trên mảnh lưng giữa. Cơ thể màu trắng kem, bụng màu đen. Con cái có hai dạng: cánh dài và cánh ngắn; con đực chỉ có một dạng hình cánh dài.
* Vòng đời:
- Vòng đời của rầy lưng trắng từ 24-28 ngày.
- Rầy cái trưởng thành có thể đẻ 150-350 trứng và đẻ liên tục trong 6 ngày, rầy trưởng thành có tính hướng quang mạnh.
2. Đặc điểm gây hại:
- Rầy lưng trắng thích hợp với điều kiện khí hậu ấm nóng, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ.
- Rầy lưng trắng phân bố rộng, có khả năng du nhập và di chuyển rất cao.
- Rầy trưởng thành và rầy non đều hút nhựa cây từ dảnh và lá lúa từ khi lúa mới đẻ nhánh. Nếu rầy gây hại vào giai đoạn lúa trỗ bông làm cho số lượng bông và chiều dài bông giảm, hạt lúa bị lép, lửng và làm chậm quá trình chín của hạt.
- Rầy lưng trắng hại nặng trên các giống lúa nhiễm rầy, lúa lai; ruộng lúa cấy dày, bón nhiều đạm.
- Rầy lưng trắng là môi giới chính truyền bệnh vi rút lùn sọc đen cho lúa.
Cần đảm bảo mực nước để tạo điều kiện lúa sinh trưởng, phát triển tốt
3. Biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng:
- Sử dụng các giống lúa kháng rầy.
- Không gieo cấy quá dày, bón cân đối NPK, tránh bón thừa phân đạm; dọn sạch cỏ trong ruộng lúa, bờ ruộng, mương dẫn nước .
- Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp 5-7cm để hạn chế rầy chích hút thân cây lúa đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
- Khi phát hiện trên ruộng lúa với mật độ >750 con/m2 khẩn trương khoanh vùng và xử lý bằng thuốc hoá học theo nguyên tắc "4 đúng": Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
- Thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
* Chú ý:
- Khi kiểm tra lúa bà con cần phải vạch gốc lúa để xem mới phát hiện được rầy.
- Khi phun thuốc nên hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bu bám. Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, phun dễ trúng rầy hơn. Khi lúa ở giai đoạn từ đòng đến trổ đã giáp tán, trước khi phun thuốc phải rẽ thành lối cách khoảng 1,2-1,5m để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy. Khi phun thuốc trừ rầy, ruộng phải có nước thì mới có hiệu quả.
- Những ruộng chưa bị sâu bệnh gây hại chỉ nên theo dõi không nên phun thuốc tràn lan gây tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường.
Nguyễn Hoàn