Navigation Menu

Xuất bản thông tin

angle-left Nâng cao giá trị sản phẩm và liên kết sản xuất-  Hướng đi bền vững

Xác đinh nâng cao giá trị cho sản phẩm là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho các thành viên, HTX cây ăn quả Đồi Núi, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS trên toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả của mình và liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Hướng đi này đã đem lại thu nhập cao cho các thành viên HTX và là hướng đi bền vững cho phát triển sản xuất cây ăn quả tại địa phương.

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, 9 hộ dân đã xung phong lên vùng núi cao của thị trấn Đồng Lộc để phát triển kinh tế. Với diện tích đồi núi chiếm gần ½ diện tích đất tự nhiên, các hộ dân đã tập trung khai thác phát triển kinh tế vườn và trang trại với đa dạng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, hồng, ổi, mít,… kết hợp với chăn nuôi nhằm lấy ngắn nuôi dài để duy trì cuộc sống. Sau 5 năm sản xuất, các hộ dân nhận thấy trồng các loại cây ăn quả này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây và đem lại thu nhập cao nên đã mở rộng quy mô. Với quyết tâm làm giàu trên vùng đồi núi này, các hộ dân đã không quản ngày đêm đào đất, lật cỏ, biến vùng đồi núi hoang vu thành trang trại.

Sau hơn chục năm “nếm mật nằm gai” trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đến nay trang trại của các hộ gia đình đã trở nên trù phú với các loại cây ăn quả cho thu hoạch quanh năm, doanh thu từ bán các loại quả hàng năm gần 1 tỷ đồng, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình ngày càng phát triển. Đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 – 5 lao động với mức lương bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Nhằm hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất và tạo ra vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng hàng hoá, năm 2022, HTX cây ăn quả Đồi Núi ra đời với 9 thành viên và 35ha trang trại tổng hợp. Sau khi thành lập, HTX đã triển khai các phương án sản xuất và đồng bộ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp đến là đăng ký logo tem truy xuất nguồn gốc để minh bạch tất cả các thông tin đến người tiêu dùng như: diện tích, thời gian trồng, ra hoa, đậu quả, kỹ thuật, thời gian bón phân, phun thuốc BVTV, thời gian thu hoạch, cách thức bảo quản, số điện thoại chủ hộ… thông qua việc quét tem truy xuất nguồn gốc được dán trên sản phẩm. Sau 1 năm thành lập HTX đã đi vào hoạt động ổn định, tuy nhiên khâu bao tiêu sản phẩm của HTX vẫn còn hạn chế do chủ yếu giao dịch mua bán với các thương lái theo thời điểm nhất định và bài học được mùa mất giá vẫn cứ tiếp diễn. Trăn trở để tìm ra một hướng đi mới nhằm tăng hiệu quả sản xuất cho các thành viên HTX và giúp phát triển bền vững cây ăn quả tại vùng đồi núi này, Ban giám đốc HTX đã đưa ra nhiều phương án sản xuất và xác định chất lượng là tiêu chí hàng đầu để xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất là cơ sở để phát triển bền vững. Năm 2023, được sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác kinh tế Đức (GIZ) và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, HTX đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS và liên kết tiêu thụ sản phẩm với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sơn Nguyên. Với phương thức sản xuất không hóa chất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS, các thành viên có thể tự giám sát lẫn nhau và cùng hỗ trợ nhau để tạo ra sản phẩm đồng đều về mẫu mã và chất lượng. Sau 1 năm áp dụng phương thức sản xuất mới, toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả của HTX đã được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ PGS và được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sơn Nguyên tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 10 – 15%.

Ông Nguyễn Hùng Thái, giám đốc HTX chia sẽ phát triển kinh tế theo hướng trang trại bảo dễ cũng không phải, khó cũng không phải. Trồng cây gì cũng vậy, luôn đòi hỏi người trồng phải bỏ thời gian, tâm sức ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Và yếu tố quan trọng nhất để thành công là phải có sự đam mê và kiến thức, nếu đam mê mà “hổng” kiến thức thì sớm muộn gì cũng thất bại. Ngoài ra, người làm chủ phải có máu “liều”, dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Tất nhiên liều cũng phải có cơ sở, nhạy bén nắm bắt thời cuộc, các điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Và giờ đây, có thể nói rằng việc trồng và phát triển sản xuất các loại cây ăn quả đã thổi luồng gió mới vào vùng đất trước đây vốn chỉ núi rừng trùng điệp. Không chỉ thay đổi diện mạo của một xã miền núi mà còn mang lại lợi ích vô cùng lớn, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

Giám đốc HTX cây ăn quả đồi núi kiểm tra sản xuất

Không phủ nhận nâng cao chất lượng và phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp HTX có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Hùng Thái cho biết, với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX luôn duy trì sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu trồng trọt đến sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản. HTX tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS để đăng ký chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ vào cuối năm 2024.

Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới, song trong bối cảnh hội nhập và thách thức của lối sản xuất “nặng đầu vào, bó đầu ra” như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong tạo dựng các chuỗi giá trị nông sản. Và chất lượng sản phẩm là yễu tố quyết định để duy trì bền vững chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất và phát triển bền vững.

 

Đặng Thị Thuận

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh