Xuất bản thông tin
Là một thạc sỹ kinh tế với 10 năm làm việc cho tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về giải pháp nông nghiệp tiến tiến, anh Dương Thế Hoàng luôn nung nấu một mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất cây lúa bằng cách giải quyết đầu ra cho sản phẩm và xây dựng, nâng tầm thương hiệu gạo tiến tới đưa gạo Hà Tĩnh ra Thế giới. Với tâm huyết và ý chí thực hiện mục tiêu anh đã tạo nên những sản phẩm có chất lượng mang thương hiệu gạo hữu cơ.
Sau thời gian bám ruộng cùng đồng hành với bà con nông dân anh Hoàng hiểu những trăn trở, lo toan và thách thức của người nông dân thời kỳ hội nhập, khi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm cho mình anh đã thực hiện tâm huyết đồng hành cùng bà con liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, giải quyết đầu ra cho lúa hàng hóa vừa xây dựng, nâng tầm thương hiệu gạo. Năm 2022, anh đã thành lập Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC vừa cung cấp các loại phân bón hữu cơ đạt chuẩn, vừa thu mua lúa cho hộ dân nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầua sản phẩm.
Năm 2023, sau khi huyện Cẩm Xuyên xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ anh đã đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm lúa trong mô hình cho bà con nông dân với giá cao hơn giá trị trường 2.000 đồng/kg. Gần 20 tấn lúa sản xuất trên cánh đồng 8ha được Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC triển khai sấy, chế biến gạo thành phẩm, đóng bao gói và bán ra thị trường. Để sản phẩm đến được đông đảo người tiêu dùng, ngoài sản phẩm được bày bán tại các của hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Tĩnh anh Hoàng còn lập Fanpage gạo hữu cơ Cẩm Xuyên và giới thiệu sản phẩm trên các mạng xã hội như sàn giao dịch thương mại điện tử, facebook, zalo,…, tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Với những ưu điểm vượt trội về mùi thơm, độ dẻo của hạt cơm, giá cả hợp lý, đặc biệt là chất lượng gạo được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng.
Thành công bước đầu đã giúp anh Hoàng càng có động lực để thực hiện tâm huyết của mình và anh đã liên kết với UBND huyện Cẩm Xuyên mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ. Khi khách hàng đã biết đến sản phẩm gạo của công ty và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng lên, ngoài củng cố các vùng nguyên liệu đã có anh Hoàng liên kết với UBND huyện Cẩm Xuyên mở rộng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên 100ha tại các xã Cẩm Bình, Nam Phúc Thăng, Yên Hoà,… Để kiểm soát chất lượng nhằm giúp thương hiệu bay cao, bay xa hơn anh Hoàng đã đồng hành với nông dân trong quá trình sản xuất đảm bảo đạt chuẩn hữu cơ anh đã thực hiện liên kết theo hình thức khép kín là cung cấp các loại vật tư đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Theo đó Công ty sẽ cung cấp các loại phân bón đạt tiêu chuẩn cho sản xuất hữu cơ dưới hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi và tiền vốn sẽ được khấu trừ vào tiền bán sản phẩm của bà con nông dân vào cuối vụ. Cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, hỗ trợ bà con nông dân sản xuất đúng theo quy trình hữu cơ, sử dụng các sản phẩm tự nhiên nhằm cung cấp dinh dưỡng và quản lý sâu bệnh hại cho cây và thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tươi cho bà con tại chân ruộng. Ngoài ra, Công ty còn ký hợp đồng với đơn vị tư vấn nhằm hỗ trợ bà con thực hành sản xuất hữu cơ và đánh giá chứng nhận sản phẩm lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ và hướng đến các tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản, Mỹ, EU.
Liên kết sản xuất vùng nguyên liệu lúa hữu cơ
Anh Dương Thế Hoàng – Giám đốc công ty Hoà Lạc Agri chia sẽ “Để gạo hữu cơ đến được đông đảo người tiêu dùng và đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, Công ty đang có định hướng mở rộng và sâu hơn trong chuỗi giá trị lúa gạo dựa trên nền tảng chia sẻ lợi ích với người nông dân và quản lý nghiêm ngặt vùng nguyên liệu nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, tạo niềm tin cho khách hàng. Ngoài ra, công ty Hoà Lạc Agri cũng lên kế hoạch xây dựng tổ hợp nhà máy chế biến gạo hiện đại tại Cẩm Xuyên, quy mô lò sấy 200 tấn/ mẻ, 20.000 tấn gạo/ năm”
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, để làm được điều đó thì việc tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị sản xuất là yếu tố quyết định mang lại thành công. Và những người tiên phong như anh Hoàng không chỉ làm lợi cho nông dân mà còn góp phần giúp cuộc cách mạng trong sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh.
Lựa chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp là một lựa chọn không hề dễ dàng, song trên con đường ấy có quyết tâm và ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, cộng với những đam mê, hoài bão khi gắn bó với từng thửa đất, với bà con nông dân. Và một thành công mới đánh dấu mốc trên con đường cách mạng sản xuất gạo hữu cơ Cẩm Xuyên là Dự án liên kết sản xuất, bao tiêu lúa hữu cơ hướng đến xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Cẩm Xuyên đã xuất sắc vượt qua hơn 40 dự án khác để đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp đổi m
ới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2023, đây sẽ là một bước đệm vững chắc để gạo hữu cơ Cẩm Xuyên gặt hái nhiều hơn nữa thành công trong tương lai. Chúng tôi cảm nhận được nghị lực, đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự kỳ vọng về một tương lai tươi sáng đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp của anh khi dám nghĩ, dám làm, dám lựa chọn đầu tư.
Đi lên từ những kinh nghiệm của nông dân, tâm huyết với những sản phẩm tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường, anh Dương Thế Hoàng đang góp phần tạo nên những sản phẩm có chất lượng mang thương hiệu gạo hữu cơ. Những nỗ lực của anh đang khích lệ và truyền lửa cho nhiều người khác cùng tích cực tham gia để tạo ra những hàng hóa đảm bảo chất lượng, vừa giúp nông dân làm giàu ngay tại quên hương./.
Đặng Thị Thuận