Xuất bản thông tin
Sau gần một năm thực hiện, mô hình sản xuất giống gia cầm tại chỗđược triển khai tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ thành công của việc chuyển giao mô hình sản xuất giống, hiện nay Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã hỗ trợ máy ấp nở và tiến hành để thu mua trứng để ấp nở gà thương phẩm cho người dân.
Mô hình sản xuất giống gia cầm tại chỗ được thực hiện tại xã Thạch Hải huyện Thạch Hà với quy mô 2.000 gà bố mẹ do Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tổ chức thực hiện. Từ cuối tháng 7/2019, các hộ tham gia mô hình đã được cấp gà giống LV với số lượng 200 con/hộ, gà giống 1 ngày tuổi đã được tiêm vắc-xin đầy đủ. Trong thời gian thực hiện mô hình, các hộ thực hiện mô hình đều được tập huân quy trình kỹ thuật nuôi đầy đủ và đều nắm bắt được quy trình, kỹ thuật nuôi nên đàn gà không chỉ phát triển tốt mà còn có độ đồng đều cao.
Trong quá trình nuôi gà bố mẹ, ngoài việc cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc khử trùng, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh thì các hộ dân đều được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà bố mẹ theo quy trình nghiêm ngặt trong khâu chăm sóc nhằm khống chế khối lượng giai đoạn dò để đàn gà không quá béo, đây là một tiêu chí quan trọng giúp đàn gà đảm bảo tỷ lệ đẻ trứng cao. Các hộ nuôi gà sinh sản đều có cam kết thực hiện theo kỹ thuật của mô hình và cam kết bán trứng cho hộ có máy ấp nở trong mô hình.
Đến nay, đàn gà bố mẹ đã đẻ đạt trên 75%. HiệnTrung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã hỗ trợ 2 máy ấp nở, với công suất máy ấp 5.000 trứng/1 mẻ và máy nở công suất 500 trứng/1 mẻ, máy phát điện, cùng phụ kiện để đảm bảo hộ gia đình ấp nở đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra.
Bà Trần Thị Tâm, hộ dân tham gia mô hình ở thôn Đại Hải, xã Thạch Hải chia sẽ: “Gia đình tôi rất phấn khởi, vui mừng khi được dự án hỗ trợ và được tham gia mô hình này. Trong thời gian nuôi được cán bộ Trung tâm về hướng dẫn quy trình, cách chăm sóc một cách bài bản nên đến thời điểm hiện tại nuôi được 46 tuần, tỷ lệ đẻ trên 80%, tỷ lệ trứng nở trên 90%”.
Chị Tâm chăm sóc gà
Việc hướng dẫn kỹ thuật và lựa chọn khu vực đặt máy ấp đảm bảo an toàn sinh học, yêu cầu đường nhập trứng và khu vực ra gia cầm non riêng biệt, dễ vệ sinh, có sát trùng thường xuyên khu vực ấp nở. Hộ được hỗ trợ máy ấp nở cũng có cam kết ấp trứng 100% cho các hộ nuôi gà sinh sản, cung cấp gia cầm 1 ngày tuổi, phục vụ nuôi thương phẩm tại địa phương, từ đó tạo ra nhóm hộ chăn nuôi và ấp nở, phục vụ nhu cầu con giống tại chỗ cho địa phương và hình thành một nghề mới, mang lại thu nhập ổn định bền vững cho nông dân trên địa bàn triển khai dự án. Số trứng sẽ được đưa vào hộ ấp nở để cung cấp con giống thương phẩm cho nông dân tại địa bàn, với giá thành giảm hơn so với con giống được vận chuyển từ nơi khác đến, đồng thời tránh được nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm.
Với những kết quả đạt được cho thấy mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đó là bước đầu giúp nông dân chủ động nguồn giống, tạo nghề nuôi gà sinh sản, lồng ghép các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, đặc biệt là công tác vệ sinh thú y, phòng bệnh. Do đó, tỷ lệ nuôi sống, tỷ lệ chọn giống khi vào đẻ đều đạt so với yêu cầu đề ra, đàn gà cho khả năng sinh sản tốt, chủ động được nguồn giống tại chỗ, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập./.
Nguyễn Hoàn