Navigation Menu

Xuất bản thông tin

angle-left Phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Kỳ Anh

Là một trong những huyện khó khăn nhất toàn tỉnh, nhưng những năm qua, huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân và hướng tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Bước “chuyển mình” đầu tiên trong hành trình hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện Kỳ Anh phải kể đến việc triển khai thực hiện thành công chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa theo Nghị quyết số 06-NQ/TU. Theo đó, cách làm mới của huyện Kỳ Anh so với các địa bàn khác đó là kiên trì và quyết liệt với mục tiêu: mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến cuối năm 2023, huyện Kỳ Anh đã có 18 vùng của 9 xã, với tổng diện tích 890 ha được chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa triệt để gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Sau chuyển đổi, bình quân 0,85 ha/thửa; trên 80% số hộ còn 1 thửa/hộ. mục tiêu đến cuối năm 2025 hoàn thành 54 vùng, với 1.950 ha.

Những cánh đồng lớn tại sau chuyển đổi ruộng đất tại xã Kỳ Tiến

Thành công của chủ trương chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa ở huyện Kỳ Anh đã sớm được khẳng định khi nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu sản xuất cùng “1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình” ra đời; nhiều mô hình sản xuất liên kết, sản xuất hữu cơ được phát triển sâu rộng, nhiều loại giống mới được du nhập..., tạo nên giá trị thu nhập vượt trội và đặc biệt là từng bước thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền nông nghiệp trên cơ sở phát triển bền vững. Như ở thôn Phú Minh (xã Kỳ Phú), sau chuyển đổi, xã đã xây dựng được vùng sản xuất lúa VietGap 65 ha; một cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ 15 ha, trong đó, quy hoạch 3 ha sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá và tiến tới khai thác du lịch sinh thái. Cũng tại đây, đã xuất hiện mô hình bao tiêu sản phẩm lúa giữa Tổ hợp tác trồng lúa thôn Phú Minh với HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang); mô hình được đánh giá là nền tảng và động lực để mở rộng cả về diện tích và  nâng cao chất lượng  trên địa bàn toàn huyện trong tương lai. Hay như mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang), với 17,5 ha, ngoài nâng cao rất nhiều về giá trị thu nhập trên đơn vị sản phẩm, còn tạo nên một hệ sinh thái bền vững.

Song song với chuyển đổi ruộng đất, chủ yếu ở vùng đồng bằng; thì đối với các xã vùng thượng, nơi được coi là dư địa nhiều tiềm năng trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp bền vững của huyện Kỳ Anh, nhiều hướng đi đã được huyện triển khai. Với lợi thế về diện tích, thổ nhưỡng và vùng tiểu khí hậu thuận lợi, cây chè từ lâu đã được coi là cây “làm giàu” của người dân vùng thượng Kỳ Anh và cũng là sản phẩm chủ lực của địa phương trong xây dựng NTM. Đến thời điểm này, diện tích chè toàn huyện đã đạt trên 400 ha, trong đó có 80% được sản xuất theo quy trình VietGAP; gần 300 ha đã cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi đạt trên 2.800 tấn/năm. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn mới, mỗi năm các địa phương trồng thêm 50 ha gắn với nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến sản xuất sản phẩm OCOP trên phạm vi vùng thượng.

Chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại thâm canh, công nghiệp, bên cạnh phát triển tổng đàn, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, huyện Kỳ Anh bắt tay liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm xây dựng các mô hình nhằm tạo giá trị thu nhập cao và bền vững hơn. Gia đình ông Trần Văn Hợp ở thôn Hà Phong (xã Kỳ Phong) là một trong những mô hình đi đầu liên kết chăn nuôi từ tháng 10/2022, với 450 m2 chuồng trại, đến nay đã phát triển lên hơn 100 con lợn hữu cơ thương phẩm/năm, trong đó có 7 con lợn nái, doanh thu gần 500 triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Hợp cho biết, chăn nuôi theo hướng hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đó là tạo sản phẩm thịt sạch, an toàn; quá trình chăm sóc đơn giản; chi phí đầu vào rẻ hơn chăn nuôi truyền thống vì tận dụng được một lượng rau xanh tại chỗ; việc sử dụng công nghệ đệm lót sinh học, men vi sinh để xử lý chất thải làm chuồng trại luôn khô thoáng, không có mùi hôi và nước thải; toàn bộ phế phụ phẩm được xử lý thành phân bón hữu cơ để bón cho vườn cây dược liệu phục vụ chăn nuôi và các loại cây trồng khác.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu là nuôi tôm, huyện Kỳ Anh tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa, nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi theo hướng thâm canh, công nghệ cao, khuyến khích người dân thay đổi phương thức nuôi quảng canh, mạnh dạn xây dựng các mô hình nuôi thâm canh quy mô lớn. Đến nay, toàn huyện có gần 50 ha nuôi thâm canh (năm 2020 mới chỉ có 12 ha); hàng chục mô hình nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao được xây dựng; dịch bệnh trên tôm giảm rõ rệt; sản lượng tăng cao hơn 3,5 lần so với trước đây.

Áp dụng công nghệ cao sản xuất nấm tại xã Kỳ Phong để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP

Bên cạnh những sản phẩm chủ lực, thời gian qua, huyện Kỳ Anh đã quan tâm, chú trọng đa dạng hóa các đối tượng cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển sản xuất theo hướng an toàn như: Mô hình sản xuất nấm áp dụng công nghệ cao tại xã Kỳ Phong, mô hình trồng dưa hấu hữu cơ tại xã Kỳ Thư, mô hình chăn nuôi gà kết hợp nuôi giun quế ở xã Kỳ Tiến,…Những mô hình này đã mang lại kết quả bước đầu khả quan, tạo tiền đề để nhân rộng trong thời gian tới, nhằm tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa chất lượng cung cấp tới người tiêu dùng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Kỳ Anh cũng đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP gắn chuỗi liên kết và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Ông Phan Công Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết: “Hiện nay, huyện đang tập trung xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa. Đến thời điểm này, có 18 sản phẩm OCOP (trong đó, 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao) và 5 sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ đã được truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử nông sản https://nongsankyanh.com; hàng chục sản phẩm khác đang trong quá trình xây dựng. Nhiều nông sản được sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao như: lúa (90,91 ha), dưa lưới trồng trong nhà màng (1.700 m2), cam bưởi (73,7 ha); 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 1 cơ sở nuôi tôm thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP; 9 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP, HACCP...

Với sự quan tâm chỉ đạo, trăn trở tìm tòi hướng đi, cách làm mới, sâu sát tháo gỡ khó khăn, chính quyền, ngành chức năng huyện đã đồng hành cùng người dân thúc đẩy phát triển sản xuất. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 48,9 triệu đồng/người/năm (tăng 30,39 triệu đồng so với năm 2013); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2022 chỉ còn 4,36% (chuẩn nghèo mới), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống 4,32%.

 Thời gian tới, huyện Kỳ Anh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nhanh cơ giới hóa sản xuất, chú trọng phát triển các mô hình theo hướng an toàn (hữu cơ, VietGAP); khai thác tiềm năng lợi thế theo các vùng sinh thái, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tạo cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra; tiếp cận thương mại điện tử để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại, bền vững.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh