Xuất bản thông tin
Xu thế thế giới đang ra sức phát triển một nền nông nghiệp bền vững hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ . Trong đó yếu tố phân bón hữu cơ đóng vai trò quan trọng. Phân hữu cơ vừa cung cấp các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng cho cây trồng, vừa cung cấp cho đất một lượng mùn lớn để duy trì sự hoạt động của các sinh vật và vi sinh vật. Nhằm khuyến khích bà con nông dân sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, xin giới thiệu cùng bà con nông dân và bạn đọc Quy trình sản xuất lúa sử dụng một số phân hữu cơ vi sinh như sau:
1. Giống
Sử dụng giống lúa trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh hoặc giống đặc sản bản địa của địa phương nằm trong cơ cấu bộ giống lúa của xã, huyện; có chất lượng tốt, có tính chống chịu sâu bệnh tốt.
2. Kỹ thuật làm mạ
a. Lượng giống: 2,5 - 3 kg/sào 500m2
b. Làm đất mạ: (Mỗi sào ruộng cấy cần 25 - 30 m2 mặt luống để bắc mạ)
+ Đất làm mạ phải cày, bữa kỹ nhiều lần đảm bảo nhuyễn bùn và sạch cỏ dại. Sau khi cày bừa kỹ thường xuyên giữ nước trong ruộng, tránh khô nẻ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của mạ sau khi gieo;
+ Lên luống: Mặt luống rộng từ 1,2 - 1,5m, cao 15 - 20 cm và rảnh luống rộng 25 - 30 cm.
+ Bón phân lót: Sau khi lên luống tiến hành bón phân lót (bón cho 25 - 30 m2 mặt luống cần 8 -10 kg phân chuồng hoại mục 25kg phân hữu cơ vi sinh bón rải đều trên mặt luống, cào đều để phân chìm và làm bằng mặt luống trước khi gieo.
c. Xử lý và ngâm ủ hạt giống
* Xử lý hạt giống: Xử lý bằng nước ở 540C (3 sôi + 2 lạnh), trong 15 - 20 phút.
Ngâm giống trong khoảng 24 - 36 giờ, khi hạt no nước là được (tức là khi thấy mầm lúa), trong thời gian ngâm cứ 6 tiếng thay nước và rửa hạt 1 lần;
* Ủ hạt giống: Sau khi hạt đã ngâm no nước và đã rửa sạch nước chua tiến hành ủ, khi hạt nảy mầm tiến hành đem gieo;
d. Gieo và chăm sóc mạ
- Khi hạt đủ tiêu chuẩn đem gieo (Mùa nứt nanh, chiêm xanh đầu), nên gieo hạt thóc chìm;
- Thời gian mạ đối với vụ Hè thu 12 - 15 ngày, vụ Đông Xuân 15 - 20 ngày, tương ứng 2,5 - 3,0 lá/cây.
4. Làm đất cấy: Cần cày lật đất sớm rồi để đất ngập trong nước. Sau đó cày bừa kỹ, nhuyển bùn và sạch cỏ dại; mức nước khi cấy vừa phải.
5. Kỹ thuật gieo, cấy lúa
- Mật độ cấy: Cấy trong khoảng từ 45 - 50 khóm/m2 cấy 2 - 3 dảnh/khóm;
- Kỹ thuật cấy: Mạ xúc đến đâu cấy đến đó, không để mạ qua đêm trên ruộng cấy; cấy nông tay (cấy ngửa tay). Nếu có điều kiện nên cấy thành băng và cấy thẳng hàng;
6. Bón phân
Chỉ sử dụng phân hữu cơ và khoáng thiên nhiên; các loại phân chuồng cần xử lý phù hợp; sử dụng các biện pháp tự nhiên và sinh học để duy trì và nâng cao độ phì của đất (các loại phân sử dụng phải được sự chấp thuận của cơ quan chứng nhận). Giới thiệu quy trình 2 loại phân bón sau:
6.1. Quy trình bón phân theo quy trình Tổng Công ty Sông Gianh
STT | Thời điểm bón | Tên phân bón | Lượng
bón | Lượng bón (kg/ha) | Cách bón |
1 | Bón lót | Hữu cơ Khoáng Hà Gianh HCK-242 | 40 - 60 | 800-1.200 | Bón lúc bừa hoặc trước khi bừa lần cuối, để lắng đất rồi cấy/gieo |
2 | Bón thúc đẻ nhánh | Hữu cơ Khoáng Sông Gianh HCK-423 | 30 - 40 | 600-800 | Bón sau cấy 10-15 ngày (đối với vụ Hè Thu), 15-20 ngày (đối với vụ xuân), kết hợp làm cỏ sục bùn |
3 | Bón thúc đón đòng | Hữu cơ Khoáng Sông Gianh HCK-423 | 25 - 40 | 500-800 | Bón khi cây lúa bắt đầu phân hóa mầm hoa (khi có 30% lá lúa thắt eo) |
6.2. Quy trình bón phân Bình Điền
STT | Thời điểm bón | Tên phân bón | Lượng bón | Lượng bón (kg/ha) | Cách bón |
1 | Bón lót | Phân hữu cơ Đầu Trâu | 12 – 15 | 240 – 300 | Sau khi kết thúc làm đất lần cuối và bón rải đều trên mặt ruộng |
Phân Đầu Trâu sinh học SH1 | 12 - 15 | 240 – 300 | |||
2 | Bón thúc đẻ nhánh | Phân Đầu Trâu sinh học SH1 | 12 - 15 | 240 – 300 | Bón sau cấy 10-15 ngày (đối với vụ Hè Thu), 15-20 ngày (đối với vụ xuân), kết hợp làm cỏ sục bùn |
3 | Bón thúc đón đòng | Phân Đầu Trâu sinh học SH2 | 7 - 9 | 140 - 180 | Bón khi cây lúa bắt đầu phân hóa mầm hoa (khi có 30% lá lúa thắt eo) |
7. Chăm sóc
- Quản lý nước
+ Sau gieo cấy cho nước vào ruộng, mực nước xâm xấp (tráng gốc cây lúa) giúp ruộng giữ ẩm tốt huặc ngập 2 - 3cm. Quan sát ốc bươu vàng trên ruộng.
+ 7 - 10 ngày sau gieo cấy tiếp tục cho nước vào ruộng ngập 5 -7cm.
+ 28 ngày sau gieo cấy bắt đầu tháo khô ruộng lần thứ nhất (nếu các hàng lúa lá đã giáp tán với nhau).
+ 35 - 49 ngày sau gieo cấy, giữ mực nước 5cm, (chuẩn bị bón phân đợt 3), sau khi bón phân để nước rút tự nhiên, đến khi xuống dưới mặt đất 15cm, bơm nước vào cao nhất là 5cm.
+ 80 - 85 ngày sau gieo cấy, tháo khô nước ruộng để lúa chín đều và dễ thu hoạch bằng máy cắt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp.
- Cấy dặm: Lúa khoảng 15 - 20 ngày, tiến hành cấy dặm những nơi bị chết; tỉa những nơi mật độ quá dày.
- Khử lẩn: Thường xuyên khử lẩn những cây khác dạng hình và lúa cỏ, thực hiện dứt điểm 15 ngày trước khi thu hoạch.
- Quản lý dịch hại: bằng phương pháp tổng hợp IPM (nguyên tắc chính: cây lúa khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia) nhằm quản lý dịch hại một cách thấp nhất và chỉ sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ.
+ Cỏ dại, ốc bươu vàng : Làm đất kỹ và san bằng mặt ruộng, giữ ngập nước trong giai đoạn đầu để khống chế cỏ dại. Thu gom ốc trước khi gieo sạ, gom ốc xuống nơi trũng để bắt và kiểm soát. Làm cỏ sục bùn bằng các dụng cụ thủ công.
+ Sử dụng nấm đối kháng như nấm xanh Metarhizium anisopliae trừ rầy nâu, vôi, nấm Trichoderma, thuốc trừ bệnh sinh học được khuyến cáo phòng và trị các loại bệnh do nấm và vi khuẩn gây hại cho lúa…
+ Một số loại thuốc trừ sâu sinh học: Vineem, Dipel, Amatic.
+ Một số loại thuốc trừ bệnh sinh học: Chubeca, Ditacin 8SL
8. Thu hoạch và bảo quản
* Thu hoạch : Thu hoạch lúa không nên trùng với thời gian thu hoạch lúa trồng thông thường. Thu hoạch khi ít nhất là 85% những hạt trên bông có màu vàng (đã chín), hầu hết các hạt ở cổ bông đã chín sáp.
* Tuốt lúa: Máy tuốt lúa và các thiết bị khác phải được làm sạch trước khi tuốt lúa. Chỉ sử dụng bao bì mới hoặc bao bì sạch. Các bao bì phải được dán nhãn đúng cách.
* Phơi thóc: Nếu phơi thóc thì phải có sân phơi riêng, không được phơi trên đường giao thông. Phương tiện sử dụng để phơi thóc phải được làm sạch, đảm bảo không gây ô nhiễm trước khi phơi. Cần tuân thủ ghi nhãn đúng cách trên bao bì đựng thóc.
* Xay xát: Cơ sở xay xát phải đáp ứng các quy định hiện hành. Các thiết bị xay xát phải được làm sạch đảm bảo. Không xay xát sản phẩm với sản phẩm thông thường vào cùng một thời điểm.
* Bảo quản: Thóc, gạo phải được bảo quản riêng rẽ, sạch và hợp vệ sinh. Phải tuân thủ quy định về bao gói/xếp dỡ, ghi nhãn và nhận biết (giống lúa, ngày thu hoạch, ngày xay xát và tình trạng hữu cơ)./.
Hà Trần (St)