Xuất bản thông tin
Nhờ lợi thế vùng đồi, diện tích rừng rộng lớn gần 400 ha, từ những năm 2005, người dân xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã biết nuôi ong lấy mật để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chất lượng mật ong nuôi ở xã Sơn Lộc cũng không hề thua kém mật ong lấy từ rừng tự nhiên nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Tuy nhiên, đa số người dân nơi đây nuôi ong theo hướng tự phát, mỗi hộ chỉ có một vài đàn; chỉ nuôi theo các biện pháp thủ công truyền thống; chưa áp dụng kỹ thuật nên chưa khai thác hết hiệu quả từ đàn ong nên năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Khi chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ngày càng có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn,…thì người dân xã Sơn Lộc cũng đã chuyển đổi tu duy và nhận thức, mạnh dạn tìm tòi và áp dụng kỹ thuật để xây dựng thương hiệu mật ong cho riêng mình.
Là người đưa ra ý tưởng xây dựng thương thiệu mật ong để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Nguyễn Văn Kiên ở thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc chia sẻ: “Nuôi ong lấy mật là nghề có cách đây mấy chục năm, nhưng thường xuyên gặp phải nghịch lý là lúc mật ong vào mùa thu hoạch đạt sản lượng cao nhất thì giá bán rẻ nhất. Vì vậy tôi đã cùng với một số hộ nuôi ong trong vùng đang tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm mật ong”.
Được sự khuyến khích, động viên cũng như hỗ trợ kỹ thuật của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, đầu năm 2023 anh Kiên đã kết nối cùng với 9 hộ dân trong xã tiến hành thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch ong, đồng thời hỗ trợ nhau bao tiêu sản phẩm. Mục tiêu của HTX hướng đến là tạo thương hiệu và nâng cao giá trị “Mật ong Tâm An” trên thị trường. Khi bắt đầu triển khai, tất cả các thành viên của HTX cùng lấy chung con giống, cùng áp dụng những kỹ thuật khoa học mới vào nuôi ong. Nhờ sự hướng dẫn tận tình chu đáo của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh trong việc tạo ong chúa, thay ong chúa, nhân đàn ong; quy cách thùng nuôi ong để ong phát triển tốt; cách phòng trị côn trùng thường gặp trên ong và cách điều trị khi ong bị bệnh; các cách phòng tránh hạn chế ong bốc bay; các hộ dân tham gia dự án đã duy trì tốt số lượng đàn ong vượt qua mùa hè nắng nóng của Hà Tĩnh. Sau hơn 4 tháng nuôi đàn ong của các hộ dân phát triển tốt, đã cho khai thác 5 đợt mật, mỗi hộ có được từ 80 - 100 lít mật, năng suất trung bình đạt 1,5 - 2 lít/đợt/đàn, với giá bán 250.000 - 300.000 đ/lít, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông đang hứng dẫn kỹ thuật nuôi ong
Các thành viên của HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An không chỉ quan tâm xây dựng thương hiệu mà còn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng mật ong, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và giữ cho giá thành được đảm bảo.
Hiện nay, qua kiểm tra khảo sát, sản phẩm “Mật ong Tâm An” đã được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Can Lộc đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong xã Sơn Lộc. Từ đó hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng sản phẩm cho thị trường và phục vụ du khách du lịch trong tương lai.
Ông Nguỹn Đình Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho biết thêm: “Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào khai thác nuôi ong lấy mật, HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An đã nâng cao hiệu quả của nghề nuôi ong lấy mật. Với lợi thế xã có diện tích rừng rộng lớn, chúng tôi sẽ cho người dân đến tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật ra toàn xã để giúp các hộ dân gia tăng kinh tế”.
Thời gian tới, để sản phẩm OCOP “Mật ong Tâm An” vươn xa ra thị trường, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành có liên, HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến đảm mật ong như máy hạ thủy phần mật ong, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đến với với các hệ thống siêu thị, nhà hàng lớn trong nước để phục vụ người tiêu dùng, góp phần xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm./.
Hoàng Thanh - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh